YouTube, công nghệ đã gắn kết được nhiều thế hệ nghệ sĩ và tầng lớp khán giả. Không chỉ NSND. Bạch Tuyết quan tâm tới kênh YouTube riêng của mình, gần đây, nhiều nghệ sĩ trong các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu đã dần tìm cách thích ứng với thời đại công nghệ 4.0.
Tìm mọi cách tiếp cận với khán giả
Thành công mới nhất trong làng giải trí mạng, đó là NSND. Hồng Vân với web drama (phim chiếu mạng) Đại kê chạy đi. Hồng Vân cho biết, trước đây thỉnh thoảng chị cũng post clip lên YouTube cho vui nhưng không có một kế hoạch rõ ràng và bài bản. Từ năm 2019, chị đã dần cảm nhận sự phát triển của công nghệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành sân khấu.
"Ngành giải trí của cả thế giới đều thay đổi bởi thời đại 4.0. Việt Nam cũng vậy, không thể thoát khỏi sự phát triển đó. Vì vậy, mình phải tìm cách thích ứng để sống. Mọi suy nghĩ đều phải biến thành hành động nhanh bởi từ mồng 6 Tết, dịch bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sân khấu. Từ trước Tết, tôi đã làm Đại kê chạy đi, nay là thời điểm thích hợp để tung ra.
Như mọi người đã biết, sân khấu kịch của Hồng Vân luôn thử nghiệm một hướng đi riêng, đó từng là kịch văn học, kịch kinh dị. Và khi đến web drama, Hồng Vân quyết định thử nghiệm nội dung dành cho tầng lớp người lao động nghèo trong xã hội, phim nói về quan hệ gia đình, láng giềng…
Đến khi giới thiệu Đại kê chạy đi, mọi thứ đúng đến 80% những gì mình dự đoán. Đặc biệt, lớp khán giả gây nhiều bất ngờ nhất đó là trẻ em (từ 5, 6 tuổi – 13 tuổi) và người già", Hồng Vân chia sẻ.
Cảnh trong web drama "Đại kê chạy đi" do NSND. Hồng Vân thực hiện, liên tiếp nằm trong top thịnh hành của YouTube
Đại kê chạy đi là web drama đầu tiên để Hồng Vân giới thiệu kênh YouTube chính thức của mình là Hồng Vân Entertainment. Dài 7 tập, Đại kê chạy đi kể về cuộc sống của hai mẹ con bán gà. Tập 1 của phim ra mắt đầu tháng 4, đến 20.4 đã có hơn 5 triệu lượt người xem.
Tập 2 của phim ra mắt ngày 9.4, đến 20.4 cũng có hơn 5 triệu lượt người xem. Ngày 16.4, ra mắt tập 3, đến 20.4 cũng hơn 3,5 triệu lượt xem. Series này cũng liên tiếp nằm trong top thịnh hành của YouTube. Kênh Hồng Vân Entertainment cũng có hơn 500 ngàn người đăng ký theo dõi dù trước đó nghệ sĩ hoàn toàn không chú trọng phát triển mảng YouTube.
Trên 50 tuổi, nhưng NSND. Hồng Vân vô cùng chịu khó cập nhật và nắm bắt xu hướng. Không chỉ YouTube, chị còn biết chơi TikTok. Dường như mọi nỗ lực đều hướng đến việc tìm cách tiếp cận khán giả của ê kíp diễn viên gắn bó với hoạt động của sân khấu Kịch Hồng Vân. Và chị cũng đã sẵn sàng để tiếp tục sản xuất các phần hai, phần ba thời gian tới.
"Niềm vui lớn nhất là những nỗ lực của chúng tôi có được lượng người xem cao. Anh em nghệ sĩ trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, từ Nam ra Bắc đều chia sẻ và chúc mừng chúng tôi. Chúng tôi có động lực để tiếp tục sản xuất nội dung để thích ứng với nền giải trí online bên cạnh hoạt động sân khấu truyền thống", Hồng Vân nói.
Tự do sáng tạo
Trước Hồng Vân, kênh Trấn Thành Town của nghệ sĩ Trấn Thành cũng đã rất thành công về lượng người xem với series Bố già. Trấn Thành luôn luôn khôn ngoan khi làm phim về thế giới của người lao động nghèo với các câu chuyện về tiền tài, mưu sinh và trên hết là câu chuyện về tình gia đình.
Sau Bố già, kênh Trấn Thành Town đã có hơn 4 triệu người theo dõi. Các tập phim đến nay đã có đến 20, 30 triệu lượt người xem mỗi tập.
Web drama "Bố già" do Trấn Thành thực hiện với lượng người xem tập 1 đạt kỷ lục hơn 31 triệu lượt xem, tính đến ngày 23.4
Lý giải về việc hoàn toàn đủ sức để làm phim chiếu rạp, tại sao Trấn Thành lại chọn làm web drama, anh chia sẻ: "Là nhà đầu tư, diễn viên chính, nhưng trong tương lai, tôi còn muốn trở thành đạo diễn nên tôi làm những sản phẩm nho nhỏ trước để thỏa chí, đo lường thị hiếu khán giả. Quan trọng hơn là làm web drama khá thoải mái về nhiều mặt, trong khi phim chiếu rạp phải phụ thuộc nhà phát hành, nội dung, thời lượng… đó không phải là chuyện riêng mình quyết nữa".
Tự do trong sáng tạo, phát hành, chỉ cần tuân theo những điều kiện, quy định rõ ràng của YouTube là các nghệ sĩ có thể giới thiệu sản phẩm của mình một cách dễ dàng. Đó là lý do quan trọng giúp nhiều nghệ sĩ cởi mở, thông thoáng trong tư duy đề tài. Không ngạc nhiên khi Huỳnh Lập tự tin giới thiệu web drama tâm linh với series Chuyện ma - Một nén nhang. Hiện anh đã phát tập 1 với chủ đề Cúng cô hồn. Thu Trang từng thoải mái với đề tài về giới giang hồ trong Chị Mười Ba: ba ngày sinh tử. Hay Ngọc Thanh Tâm với Bao lô, Móng tay nhọn…
Tìm con đường riêng để sống
Thoải mái sáng tạo hơn mặc dù phải tuân thủ quy định của YouTube, nhưng hầu hết, các nghệ sĩ, công ty khi lập kênh YouTube đều nghĩ đến việc tìm một con đường riêng để phát triển nghề nghiệp, để sống còn trong cuộc chiến của thời đại 4.0.
Ông Bửu Điền, Chủ tịch Công ty giải trí Điền Quân cũng đã thức thời khi lập cho mình kênh riêng là Color Man và Điền Quân cũng dần phát triển các kênh trên mạng song song với truyền hình. Trong tương lai, Điền Quân cũng sẽ chuyển sang phát triển sản xuất các chương trình và chú trọng phát hành trên mạng. Lý do chính là truyền hình không còn chiếm vị trí số một như trước kia khi người xem liên tục sụt giảm.
Hai ca sỹ ăn khách Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng ở "Giọng ca bất bại". Ảnh: BTC/vnmedia
Nhiều công ty sản xuất các chương trình truyền hình thực tế trước đây từng bội thu, chỉ sau vài năm đã phải than trời vì thua lỗ do sự thay đổi của công nghệ dẫn đến thay đổi trong cách giải trí. Ông Bửu Điền cho biết, trong gameshow Giọng ca bất bại, dù đã có hai tên tuổi Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng, chương trình cũng đã chịu lỗ khoảng 6 tỷ đồng. Nhiều chương trình khác từng gây bão trên truyền hình cũng dần dần im ắng, thậm chí không còn truyền hình trực tiếp nữa.
Theo đánh giá của Công ty Zenith, ngành quảng cáo trên toàn cầu có sự thay đổi lớn khi 40% chi phí quảng cáo trên toàn thế giới sẽ dành cho các quảng cáo online và trên Facebook, YouTube... Dần dần, chi phí cho quảng cáo online đã lần đầu tiên vượt qua chi phí quảng cáo trên truyền hình. Vì vậy, các nhà sản xuất truyền hình dần chuyển sang hoạt động cầm cự, phát triển song song với mảng online…
Kiếm bao nhiêu tiền trên mạng?
Cho đến nay, chưa có nghệ sĩ nào công khai về thu nhập đến từ mảng digital, YouTube. Trong giới ca sĩ, nhiều người đầu tư tiền trăm triệu, tiền tỷ để làm MV nhưng mục đích chính là xây dựng hình ảnh, khẳng định giá trị, từ đó thu lại bằng hợp đồng quảng cáo và các show diễn. Thu nhập thực tế từ YouTube cũng sẽ không thể nào bù lại được chi phí sản xuất, nội dung nếu nội dung đó được xây dựng một cách bài bản.
Trấn Thành không công khai số tiền thu về từ lượng người xem nhưng anh cho biết series Bố già có chi phí sản xuất do anh bỏ ra là 4 tỷ đồng. Số tiền Trấn Thành thu về được có thể thấy rõ là các quảng cáo sản phẩm đan xen trong nội dung phim, nhưng trị giá các hợp đồng này không công khai.
Cảnh trong web drama "Đại kê chạy đi" do NSND. Hồng Vân thực hiện.
Ê kíp của NSND. Hồng Vân cũng sẵn sàng cho Đại kê chạy đi các phần tiếp theo, nhưng họ vẫn đang chờ đợi các hợp đồng tài trợ, quảng cáo. "Ở phần đầu tiên, để thể hiện mình nên chúng tôi không quan tâm đến việc gọi tài trợ. Nhưng từ các phần tiếp theo, khi khán giả đã có đánh giá tích cực, chúng tôi sẽ làm việc với các nhãn hàng. Lượt người xem trên mạng có thể đem lại cho chúng tôi một ít thu nhập nhưng chỉ là một phần rất nhỏ, không thể bù được cho cát sê diễn viên, chi phí sản xuất", Hồng Vân nói.
Theo các chuyên gia về công nghệ, mức chi trả trung bình tại thị trường Việt Nam trên kênh YouTube từ 0,3 - 0,5 USD/1.000 view. Dựa vào đó, nhiều người cho rằng, các ca sĩ, nghệ sĩ hot nhất có thể thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, đến nay không ai công khai thu nhập này bởi các lý do bảo mật và cả các câu chuyện về view ảo.