Vài ngày trước, trong lúc tổng vệ sinh nhà để đón ba mẹ bạn trai cô út đến chơi cho biết nhà, tôi lục tìm thấy khuôn bánh thuẫn bằng đồng. Chiếc khuôn này, từ khi tôi biết đã có mặt trong gian bếp nhỏ. Giờ, tính tuổi đời, cũng phải gần 30 năm. Nhìn nó, tôi chợt nhớ những ngày xa xưa lắm, khi các loại bánh mứt chưa tràn lan như bây giờ, vào ngày lễ tết, má thường huy động cả nhà cùng nhau đánh bột, sên mứt, sấy bánh.
Má khéo tay lắm, từ mứt dừa, mứt bí đến bánh tét, bánh mè, bánh in... má đều biết làm và làm vừa ngon vừa đẹp. Ban ngày, má mang ra chợ bán, trưa về chuẩn bị nguyên liệu, rồi làm đến khuya. Thường mỗi mùa như thế, số tiền lời từ bán bánh, bán mứt, má lo đủ thậm chí dư cho cả nhà.
Đổ bánh thuẫn cần có sự phối hợp của lửa trên và lửa dưới.
Mỗi món bánh, mỗi loại mứt, má đều có cách làm, kinh ngiệm riêng nên má là thợ chính, lũ chúng tôi chỉ cần ngồi quanh đấy, má kêu gì làm đó, phần thưởng sẽ là những chiếc bánh bị bể trong quá trình sấy hay những miếng mứt vụn. Trong các loại bánh má làm, không hiểu sao, tôi lại "chết mê" mùi thơm của bánh thuẫn khi má vừa mở nắp vung.
Má tôi người Mộ Đức, Quảng Ngãi, ban đầu tôi cứ nghĩ bánh thuẫn là của nhóm dân "hay cãi". Sau lớn mới biết, món bánh này có mặt gần như khắp các dải đất miền Trung, mỗi tỉnh, gia giảm thêm một ít nguyên liệu, gia vị nên sẽ có vài khác biệt nho nhỏ.
Công thức làm bánh thuẫn của má tôi đơn giản lắm. Nếu làm để bán, má cứ cân đều một 1,2 ký bột mì, một chục trứng vịt, một ký đường trắng. Anh trai tôi sẽ cầm mỗi tay hơn chục chiếc đũa, đầu tiên là đánh trứng, tiếp đó cho bột và đường vào thau trứng, đánh đến khi đạt được hỗn hợp sền sệt, má sẽ tự tay thêm va ni, nước cốt gừng vào. Sau khi làm nóng khuôn và thoa đều một lớp dầu nóng, má sẽ đổ vào non 1/2 khuôn, đậy nắp, vài phút sau, khi mở nắp, những chiếc bánh nở rộ như những ngôi sao 5 cánh.
Mỗi lòng khuôn, má chỉ cho non nửa bột để chỗ cho bánh nở
Cách làm và cách đổ bánh đơn giản như thế nhưng có bắt tay vào làm mới biết hỗn hợp bột bánh thuẫn đỏng đảnh thế nào. Bột đánh không tới hay đánh quá tay, bánh sẽ bị chai, bánh không nở. Lúc đó, má sẽ nhắm chừng để đánh tiếp hay thêm trứng... Xử lý xong hỗn hợp bánh thuẫn, má lại loay hoay với lửa và khuôn bánh. Đổ bánh thuẫn cần đến 2 dòng lửa là lửa dưới lò và lửa ở nắp khuôn. Trong đó, phần than ở nắp lò phải đạt nhiệt độ nhất định, nóng quá thì cháy bánh, ít lửa thì bánh không chín. Cứ thế, má canh bột, canh than nên thường bánh thuẫn 2-3 lượt đầu là bánh không đạt, thì bỏ đi. Đến khi đã hoàn chỉnh, thì rổ bánh nóng hổi, thơm lừng dần đầy.
Tôi thích ăn bánh thuẫn khi vừa được lấy ra khỏi lò, nóng hổi, xốp mịn và là sự tổng hòa hương thơm của bột, của trứng, gừng tươi và va ni. Đó cũng là lý do khi má đổ bánh, tôi là đứa hay lân la gần nhất.
h Đủ lửa, đủ "bột", những chiếc bánh thuẫn sẽ nở rực như những đóa hoa 5 cánh.
Bánh thuẫn vừa chín tới nóng hổi, thơm lừng và xốp mịn.
Khi mẻ bột cuối cùng được vớt khỏi khuôn, bếp than bên lò sấy "đặc biệt" do má sáng chế với một cái lò, một miếng tôn bao quanh để vừa chiếc nia tre cũng đỏ rực. Má xếp bánh vào nia, đặc lên lò sấy, vài tiếng sau, thành quả là những chiếc bánh thuẫn sấy thơm. Má xếp mỗi túi ni lông khoảng 20-30 cái, sáng mang ra chợ bán.
Sau này, khi các loại bánh trong và ngoài nước xuất hiện mật độ dày, má không còn làm bánh bán vào dịp Tết nữa. Nhưng chiếc khuôn bánh thuẫn má vẫn giữ lại. Tết hay thỉnh thoảng đàn con về, chỉ cần một đứa bảo thèm bánh thuẫn, má sẽ mang khuôn, mua bột và trứng về để làm. Lũ con giờ lớn, thích ăn nhưng lại lười, không chịu đánh bột bằng tay mà 'thảy" tất cả vào cối xay sinh tố. Dù vậy, dưới bàn tay của má, loại bột xay máy này cũng cho ra những chiếc bánh thuẫn vàng ươm, nở xốp.