Nắng nóng là "kẻ thù" lớn nhất của làn da. Ảnh: Styl
Ánh nắng. Tắm nắng giúp cung cấp vitamin D cho cơ thể, nhưng nếu phơi nắng quá nhiều, nó sẽ gây hại cho da. Cụ thể, tiếp xúc nhiều với ánh nắng làm tăng sắc tố da, cháy nắng, thậm chí dẫn đến ung thư. Các tia cực tím (UV) từ ánh nắng có thể xâm nhập sâu vào da, làm hỏng collagen - prôtêin giữ cho làn da săn chắc và mịn màng. Theo các chuyên gia, mất đi độ đàn hồi và collagen khiến da dễ hình thành nếp nhăn và xuất hiện các đốm đồi mồi - dấu hiệu của lão hóa.
Cách tốt nhất để bảo vệ làn da khỏi các tia UV có hại là che chắn cơ thể kỹ càng khi ra ngoài lúc trời nắng nóng. Chỉ phơi nắng vào sáng sớm, khi ánh nắng còn ấm.
Thuốc lá và rượu. Thuốc lá làm mất đi lượng ôxy trong da, khiến da trông nhợt nhạt. Thói quen này cũng khiến da bị mất nước, thiếu hụt mãn tính vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C cần cho quá trình sản sinh collagen. Những yếu tố này thúc đẩy hình thành nếp nhăn và khiến da chảy xệ. Tương tự, thức uống có cồn cũng làm cơ thể mất nước, khiến da lão hóa sớm.
Ngoài từ bỏ ngay thuốc lá và bia rượu, cách hữu hiệu để hồi phục làn da là uống đủ nước, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và chất chống ôxy hóa để giảm nếp nhăn và kích thích sản sinh collagen. Sử dụng kem dưỡng ẩm cũng giúp bù nước cho da.
Thiếu ngủ. Nếu ngủ không đủ giấc, "hậu quả" sẽ nhanh chóng biểu hiện ra da. Theo đó, da sẽ trở nên khô sạm và xuất hiện bọng mắt chỉ sau vài đêm thiếu ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nếp nhăn và quầng thâm dưới mắt.
Khi bị mất ngủ, hãy xác định nguyên nhân - do căng thẳng tinh thần (stress), áp lực công việc hay môi trường ngủ nghỉ - để tìm cách khắc phục. Luôn nhớ rằng mất ngủ không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo mà còn gây hại sức khỏe tổng thể về lâu dài.
Tăng hoặc giảm cân nhanh. Tăng cân nhanh có thể làm rạn dạ, trong khi giảm cân đột ngột khiến da chảy xệ. Đó là lý do cần duy trì cân nặng ổn định, nếu muốn giảm cân thì phải giảm từ từ và đều đặn.
Stress. Stress làm giảm lớp màng lipid bảo vệ da vốn đóng vai trò như là một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên, từ đó khiến cho da bị xỉn màu, xuất hiện nếp nhăn. Do vậy, người có làn da khô nên tránh rửa mặt bằng xà bông, vì nó làm da khô hơn. Thay vào đó, chỉ sử dụng nước để rửa mặt, thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm để giữ ẩm, tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa như vitamin A, C và E - vốn có tác dụng ngăn chặn sự tổn hại do các gốc tự do gây ra và giảm nếp nhăn.
Thời tiết và môi trường. Thời tiết khô, không khí ô nhiễm, môi trường bụi bặm đều rất hại cho da, bởi chúng có thể làm hỏng tế bào da, suy giảm cấu trúc da và giảm sản sinh collagen. Đáng lo ngại, các chất gây ô nhiễm không khí có thể phá vỡ khả năng điều chỉnh độ ẩm của da, làm cho da khô và bong tróc, khiến lỗ chân lông to ra, dẫn đến nổi mụn, đặc biệt là mụn đầu đen. Nói chung, thời tiết và môi trường khắc nghiệt có thể tổn thương da và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
"Thần dược" cho da từ nhà bếp
Cà phê. Đây được xem là thành phần chăm sóc da tự nhiên. Cụ thể, mọi người có thể dùng bột cà phê để tẩy tế bào da chết và phòng chống viêm da.
Dưa leo. Nhờ dồi dào vitamin C và axít caffeic, dưa leo có thể giúp giảm viêm và kích ứng da. Loại quả này chứa tới 80-90% nước nên cũng giúp da giữ nước và trắng sáng, đặc biệt là trong mùa hè. Đắp vài lát dưa leo lên mắt còn làm giảm bọng mắt và quầng thâm do mất ngủ.
Nghệ. Thường xuyên bổ sung nghệ vào chế độ ăn giúp bảo vệ cấu trúc da, do loại củ này chứa thành phần kháng viêm tự nhiên. Để trị mụn trứng cá, bạn có thể sử dụng mặt nạ làm từ nghệ, bột đậu xanh và nha đam.
Cà chua. Nhờ giàu thành phần chống ôxy hóa và vitamin C, cà chua có thể loại bỏ tàn nhang, sạm nám và các vấn đề khác của da. Ngoài ăn cà chua nấu chín hoặc ép lấy nước uống, bạn có thể xay nhuyễn cà chua để đắp dưỡng da.
Yến mạch. Mặt nạ từ yến mạch vừa có thể cân bằng độ pH, hấp thu lượng dầu dư thừa trên da vừa cung cấp dưỡng chất cho da. Yến mạch cũng chứa hàm lượng cao chất kẽm có công dụng kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.