Chúng tôi đã kết hôn được sáu năm. Tôi và vợ hẹn hò vỏn vẹn ba tháng thì cưới. Lúc mới cưới, chúng tôi đã tin rằng đây chính là "đúng người đúng thời điểm". Sau khi về một nhà, cả hai mới nhận ra rằng, so với những gì đã biết về nhau thì những thứ không biết hiện ra nhiều vô kể. Có phải chúng tôi đã quyết định quá nhanh chóng?
Cảm nhận về một người có bao giờ là mãi mãi. Chẳng hạn những điểm tốt của tôi mà vợ nhận thấy hồi mới yêu đã trở thành điểm dở sau khi chúng tôi kết hôn.
Theo giải thích của vợ tôi thì: "Ngày xưa em thấy anh rất tinh tế. Khi đang lái xe, trời nóng là anh bật sẵn điều hòa, khi em ngân nga theo một bài hát, anh sẽ bật to âm lượng. Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ không phải anh quan tâm em mà do anh nhạy cảm quá mà thôi".
Thì ra, cảm giác phải lòng hay rung động mãnh liệt chưa chắc đã là tình yêu. Chỉ vài tháng sau kết hôn, chúng tôi bắt đầu cảm thấy những cuộc trò chuyện của cả hai cứ bị ngắt quãng, giật cục. Thật sự có quá nhiều khác biệt. Ngôn ngữ của tình yêu đã khác, khẩu vị thì vốn dĩ đã khác, và cách tiết kiệm hay tiêu tiền cũng khác. Chúng tôi nghĩ rằng sự cãi cọ thường xuyên hơn là do chúng tôi quá khác biệt.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Cảm xúc của cả hai đều bộc phát rất mãnh liệt khi cãi nhau. Tôi không hề muốn vợ chồng lớn tiếng trước mặt con, không muốn đứa trẻ phải chịu đựng các mâu thuẫn của cha mẹ. Thế là chúng tôi quyết định cùng nói chuyện về cảm giác của mỗi người khi bất đồng xảy đến.
Tôi nói: "Em à, khi cãi nhau với em, anh mất khả năng hòa giải. Nhưng anh lại rất sợ bị bỏ rơi". Vợ tôi trả lời: "Vậy hả? Em thì lại có suy nghĩ này: Tại sao đã đi đến được tới đây rồi, nhưng anh vẫn không chấp nhận em? Em đã hy sinh nhiều thế cơ mà. Thật là uất ức khi anh không nhận ra sự hy sinh ấy. Em chỉ muốn được ghi nhận".
Rồi cứ thế vợ chồng bộc bạch hết tâm tư với nhau. Tôi thực sự không biết vợ đã cảm thấy như vậy. Nghĩ lại, đó không phải là tình cảm mà tôi hay em dành cho người bạn đời mà là những cảm xúc bên trong mỗi người.
Dù thường xuyên cãi vã nhưng chúng tôi biết mình vẫn yêu người kia rất nhiều, đồng thời, tôi cũng thấy lo sợ. Thật ra mối quan hệ cứ trục trặc không phải vì chúng tôi ghét nhau mà chỉ vì cả hai đã quá mệt mỏi với cảm xúc của chính mình.
Nguyên nhân sâu xa của những bất đồng đó không phải do yêu đương quá ngắn đã vội kết hôn, mà là một "mối quan hệ phụ thuộc". Chúng tôi đã quá phụ thuộc cảm xúc vào nhau. Tôi và vợ có nhiều điểm chung, chỉ là chúng tôi còn lúng túng trong cách tiếp nhận những cảm xúc và nhu cầu của đối phương.
Ai cũng được dạy rằng còn nhỏ thì phải vâng lời cha mẹ hay nói đúng hơn là phải sống theo ý cha mẹ, và sau này có con lại phải làm tròn thiên chức của một bậc cha mẹ. Vì lý do này mà suốt đời chúng ta phải sống để làm hài lòng cảm xúc của người khác. Kết cục là ta không thể nhận ra được những cảm xúc và mong muốn của bản thân, trong khi lại muốn đối phương chịu trách nhiệm về những nỗi niềm của mình.
Ảnh minh họa
Trong vô thức, chúng ta kỳ vọng người bạn đời sẽ chịu trách nhiệm cho những cảm giác đau khổ mà ta mang. Nếu thấy buồn bực trong lòng thì dù đối phương có dành tình cảm nhiều đến đâu cũng không thể lấp đầy được. Điều ấy thật vô lý và lẽ dĩ nhiên cả hai đều trở nên mệt mỏi. Vợ dù đang vất vả cũng phải cố gắng hòa hợp với tôi, còn tôi thì nản lòng khi không thể an ủi người vợ đang mệt nhoài. Khi đã nhận ra cốt lõi vấn đề, chúng tôi quyết định phải giúp nhau yêu bản thân mình trước.
Lý do gì đã giúp vợ chồng tôi có thể phá vỡ vòng xoáy cãi vã trong hôn nhân? Là bởi vì tôi một lòng không muốn mang lại những vết thương mà tôi phải chịu đựng hồi còn nhỏ khi chứng kiến cha mẹ tôi lục đục triền miên. Hơn hết, vợ là người đã "dìu dắt" tôi suốt năm năm qua để giúp tôi thay đổi rất nhiều.
Điều khiến tôi cảm động là sự chấp nhận của vợ. Nhìn thấy cô ấy chấp nhận những khuyết điểm của tôi, tôi vừa bỡ ngỡ vừa thấy ấm áp. Nếu tôi cứ sống theo bản năng, có lẽ cô ấy không thể ở bên tôi suốt chừng ấy thời gian. Phải sau hàng ngàn lần nói "anh xin lỗi", tôi mới có thể nói được ba tiếng "cảm ơn em".
Kết hôn được sáu năm và giờ chúng tôi đang hạnh phúc khi đã biết cách tự chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của riêng mình.