Cả hai vợ chồng tôi đều là dân văn phòng. Cả ngày bận rộn nên việc ăn uống từ trước đến nay hầu như đều gọi thức ăn giao đến từ những nơi quen hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh.
Khi có thông báo "ai ở đâu ở yên đó", tôi trở thành đầu bếp bất đắc dĩ, ngày ba bữa biến tấu để cho ra đời những bữa ăn ngon và vui nấu.
Nguyên tắc "không chết vì thiếu hành"
Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi lần ăn món gì có hành tôi lại vớt ra. Có khi ba tôi khuyên: "Con thử ăn hành đi, không chết được". Lớn lên, lúc nào tôi cũng phải trữ hành trong tủ lạnh, chỉ vì lo món canh không có hành nhìn… trớt quớt.
Nhưng ngày đầu tiên "phong thành", nhìn đám hành trong tủ lạnh đã héo úa, tôi lại nghĩ, "thiếu hành cũng không sao", món canh vẫn ngon.
Được tặng củ dền đỏ, tôi làm món cơm chiên màu hồng
Như đã bật được công tắc, tôi áp dụng chuyện "thiếu hành" cho hầu như tất cả các rắc rối ở bếp. Buổi sáng tôi mở tủ lạnh và xem mình có thể nấu món gì. Nếu có thời gian, tôi hầm xương để có một nồi bún bò không sả. Sáng nào ít thời gian, tôi luộc ít bún khô ăn kèm với xà lách và nước mắm pha chua ngọt.
Có khi thì hong xôi ăn kèm thịt kho, đến khi nhà hết nếp thì nấu cơm trắng ăn với muối đậu phộng. Tôi ưu tiên dùng các loại rau ăn lá dễ hỏng trước, sau mới đến các loại củ quả, su su, bắp… Nấu món chính nhiều một chút, dùng cho cả bữa trưa và tối. Đến bữa chỉ nấu thêm một món xào hoặc canh, đơn giản nhưng nóng sốt thơm ngon.
Với số thịt cá trong ngăn đông, tôi cứ nấu lần lượt và đổi món. Hôm nay món kho thì ngày mai sẽ ướp xốt nướng. Trước đó, tôi đã chuẩn bị thêm ít cá khô, đu đủ muối, cá hộp… có thể dùng để đổi món.
Không cần chờ "người yêu"
Hai tuần trước, nhà tôi được tổ dân phố cấp mã QR vào nhóm Zalo của siêu thị để mua thực phẩm. Số lượng nhân viên phục vụ tại cửa hàng có hạn, mọi người lại có tâm lý sợ hết hàng nên tin nhắn trong nhóm cứ nhảy liên tục cả ngày.
Người mới vào nhóm thì thắc mắc làm sao để đặt được hàng. Người đã gửi mẫu đăng ký mua hàng thì lo sợ, không biết cửa hàng đã nhận được yêu cầu của mình chưa. Người đã được chốt đơn thì thắc mắc làm sao để hàng đến được tay mình.
"Chờ hàng như chờ người yêu", một chị gửi tin nhắn như vậy trong nhóm. Lo lắng, trông ngóng nên các chị nhắn tin thắc mắc từ sáng đến chiều. Mong mỏi chờ đợi là vậy, nhưng đến tối thì lại nghe tin sét đánh rằng "người yêu" không có… rau muống, rau cải, thịt cá như mình đã yêu cầu.
Nước giải khát từ củ dền đỏ
Cảm thấy việc ngồi chờ chốt đơn gây tâm lý ức chế và mệt mỏi, tôi vẫn điền mẫu đăng ký mua thực phẩm nhưng không quan tâm nữa. Tôi nấu những món đơn giản với củ quả được tổ dân phố chia cho các hộ mỗi ngày.
Khoai tây tôi cắt thẻ và chiên sơ. Nhà ít thịt bò nên tôi xào chung với một ít củ nén đập nhỏ. Cải thảo thì một ít nấu canh tôm, một ít dùng làm kim chi để dành.
Tôi nghĩ không việc gì phải tiêu tốn nhiều thì giờ chỉ để chờ một ai đó, một vật phẩm nào đó theo đúng ý mình. Không có thịt cá thì ăn rau củ. Thậm chí tình huống xấu nhất là nếu thiếu các món nhiều dinh dưỡng trong vòng vài ba ngày, tôi nghĩ vẫn không phải là vấn đề lớn.
Từ khi áp dụng nguyên tắc "không chết vì thiếu hành", đồng thời tách mình ra khỏi những cuộc săn đuổi và chờ đợi "người yêu", tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân. Ngoài công việc chính, buổi sáng tôi đọc sách, buổi chiều xem một tập phim yêu thích trước khi nấu cơm tối.
Cứ thế tôi có thể ngồi yên trong chuỗi ngày đồng lòng chống dịch, tôi thấy mình học thêm được cách trả mọi việc về đúng vị trí của nó, không để sự lo lắng vô nghĩa tấn công. Mình tự trả mình lại với căn bếp giản dị, vừa đủ, không lo âu.