Sự cập nhật diễn ra liên tục. Đôi khi cũng có vài cái tên bị xóa đi vì mất ấn tượng, vì sự sa sút dịch vụ, vì cô xẹc-via xinh đẹp đã chuyển đi nơi khác hay bởi vì ta không muốn gặp lại ở đó những kỷ niệm buồn trong cuộc đời... Gạch xóa và thêm bớt trong hệ thống tiêu chí mà ta tự đặt ra về sự tiện lợi của không gian, sự phù hợp tình cảnh, sự hình dung những gì mà ta chờ đợi bên một ly cà phê.
Ảnh: hoàng triều
Văn hóa cà phê du hành theo bước chân người Pháp vào Sài Gòn từ thế kỷ XIX và thâm nhập, tiếp biến rất nhanh vào đời sống vốn đề cao tính cộng đồng của người dân ở đô thị nhiệt đới này. Cà phê gắn liền với lối sống, tâm tính thị dân, đến mức đã có người cho rằng nếu chọn một đặc thù nào đó để nói về bản sắc sinh hoạt Sài Gòn hiện đại thì họ sẽ chọn ngay thú ngồi quán cà phê. Theo họ, ở đó không chỉ có vấn đề ẩm thực mà hội đủ câu chuyện lịch sử, ký ức tập thể, cách ứng xử của con người trong xã hội hiện tại, cách sử dụng thời gian phản chiếu những tương quan khác nữa. Nghe thật có lý. Vậy là, nói một cách hài hước, không chừng việc uống cà phê có thể nâng tầm lên khoa học, lý thuyết nọ kia nay mai. Thử chờ xem.
Cho dù có thể “chém gió” vung trời thì cũng không thể đổi lấy một thực tế, tuy là một thú ẩm thực đi vào trong sinh hoạt đô thị từ lâu, chia nhỏ muôn hình vạn trạng nhưng thi thoảng mới có ai đó đề cập thú cà phê của người Sài Gòn bằng những trải nghiệm riêng, ít khi được hệ thống hóa một cách khoa học như cách nhìn vào một tiêu bản sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính lịch sử. Nói thế liệu có nghiêm trọng và xa xỉ quá không trong cái đời sống mà lịch sử nói chung vẫn là một món gì đó dễ bị kẻ này áp đặt, kẻ kia ghẻ lạnh?!
Vậy thì cũng đành. Hãy ném mình ra giữa dòng chảy của một thú ẩm thực để sống, để trải nghiệm trực tiếp, với niềm ủi an còn lại, rằng ký ức mỗi cá nhân chính là một kho tàng đặt trong một kho “big data” (dữ liệu lớn) của ký ức cộng đồng, tất cả sẽ không tan biến theo thời gian.
Khi ta đi qua những quán cà phê “đời mới” ngày nay của Sài Gòn, thường đặt ở trên các chung cư cũ ở khu trung tâm, đa số bày biện (décor) theo lối cổ điển, có hơi hướng vintage (hoài niệm), sẽ thấy có quán còn trưng bày thật nhiều vật dụng cũ: là chiếc máy may được trưng chế thành cái bàn, là những rương gỗ được biến thành ghế ngồi, những máy vô tuyến truyền hình đen trắng, radio, điện thoại quay số, lon guigoz, ca US... thời trước 1975 và giai đoạn tiền Đổi Mới, dễ nhận ra phía sau những đồ vật là ký ức về một Sài Gòn bình dân - một kho di sản đầy phong phú. Chẳng biết từ bao giờ, chúng - những đồ lạc-xoong đó - tạo ra một nguồn cảm hứng bất tận trong thế giới ý tưởng của những nhà kinh doanh cà phê đa số hãy còn rất trẻ. Phải chăng sự hấp hoắng lo sợ những giá trị Sài Gòn vàng son sẽ biến mất vĩnh viễn sau những cơn lốc văn hóa toàn cầu đi kèm với sự quan liêu trước di sản đang lộ diện từng ngày?
Có lẽ từ nhiều phía.
Vậy nên, ly cà phê espresso trong một sáng tĩnh lặng ở một chung cư cũ hay cốc cà phê đen đá thân quen bên cửa sổ quán góc phố trung tâm đôi khi có ý nghĩa ủi an cho những ai mải mê kiếm tìm chút vàng son vang bóng, một “kiểu” Sài Gòn bảng lảng còn lại. Nhiều quán cà phê theo “dòng hoài cổ” này không chỉ chú trọng về thiết kế không gian Sài Gòn xưa bằng đồ vật, hình ảnh, bài trí mà còn cố gắng tái hiện những nếp sinh hoạt thời cũ, như tổ chức thêm tụ điểm ca hát theo kiểu phòng trà nhẹ nhàng thanh lịch - mô hình cafétéria.
Tuy cafétéria thời này chưa thấy sản sinh được những Bạch Yến, Duy Trác, Mai Hương... như ngày trước nhưng thi thoảng từ những không gian đó, sự mộc mạc dung dị và tinh thần hướng đến sự thanh tao cũng tạo ra những sắc thái quyến rũ riêng trong cuộc thế. Bên cạnh đó, các quán cà phê sách (hay chí ít, những giá sách xuất hiện trong các quán cà phê) cũng đem lại những không gian giàu suy tư cho khách thực sự hiếu tri. Những tiệm cà phê sách thời nay ngày càng gần gũi chứ không cao đạo, chia sẻ cởi mở chứ không nặng nề áp đặt. Và đôi khi quán cà phê cũng là nơi để những nhóm nhỏ mê kịch nghệ, điện ảnh có chỗ sinh hoạt, trao đổi... trong cuộc thể nghiệm kiếm tìm tiếng nói mới đầy cam go.
Đời sống ngoài kia muôn hình vạn trạng và cà phê, dĩ nhiên cũng thế. Rồi có lúc ta phải tạt qua quán cóc khi trời sầm sập mưa hay giữa trưa giàn giụa nắng. Quán ven đường, quán cóc lại là một chọn lựa tiện nghi và phổ biến. Đó lại là một tính cách khác của người Sài Gòn - ưa thoải mái, không câu nệ. Một ly đen đá đôi khi nghe mùi bắp rang đậm hơn cà phê, vậy mà trên ghế nhựa quán cóc, ngồi lướt title trang nhật báo, ngó phố phường... là khẩu phần thanh cảnh của nhiều người.
Trong cách người ta dừng chân bên lề đường với ly cà phê đen đá đã mang trong nó sự ý tứ về một nhu cầu tự cân bằng nhịp sống. Trong cách người ta tán gẫu cũng mang theo đó giá trị của sự thoải mái hào sảng. Tất cả, thi ca, nghệ thuật, chính trị, tình yêu, chuyển nhượng, mua bán... có khi diễn ra quanh những chiếc ghế nhựa nhiều màu bên lỗ cống thoát nước ở những ngã ba, ngã tư đầy bụi đường. Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử thi ca thời kỳ này sẽ nhắc về những nhóm thơ ra đời từ các con hẻm được đánh số, lịch sử tình yêu sẽ nhắc nhớ những cuộc tình được ra đời từ tiếng sét ở vỉa hè quán bình dân!
Trước khi những thiên lịch sử trọng đại kia xuất hiện thì hãy nhớ cho rằng đây - không gian quán cóc - là chốn mưu sinh dã chiến đã đưa rất nhiều người nhập cư thoát nghèo, là một dịch vụ cấu thành cái mà các nhà kinh tế học gọi là “nền kinh tế vỉa hè”, bảo đảm là thứ đặc thù riêng có của Sài Gòn. Kinh tế vỉa hè nói chung và quán cà phê vỉa hè nói riêng đủ sức biến những kẻ tha hương cầu thực hôm qua thành những thị dân khá giả hôm nay.
Bây giờ là thời của cà phê chuỗi. Mấy ông bà nghiên cứu mô hình ẩm thực thời franchise (nhượng quyền) cũng nghiên cứu kỹ cái tập tính cà phê bình dân để “đẻ” ra vô số quán cóc có bảng hiệu, bảo chứng chất lượng. Vẫn ghế gỗ mộc mạc kéo ra vỉa hè, vẫn đáp ứng cái nhìn hướng ra đường phố, vẫn có thể “take away” (mang đi) nhưng tinh tươm hơn, hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn. Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào khi mà vỉa hè vô danh có cái “võ” của vỉa hè vô danh, vỉa hè franchise có cái tiện của vỉa hè franchise. Sài Gòn đủ bản lĩnh để dung chứa mọi khác biệt, để cùng sống.
Trung tâm Sài Gòn hôm nay. Những cái tên mang tính biểu tượng về thế giới cà phê trí thức, hào hoa, sang trọng một thời như Givral, La Pagode, Continental hay Brodard đã biến mất. Ở những góc ngã tư trên đường trung tâm Đồng Khởi (xưa là đường Tự Do, trước đó nữa là Catinat), những cửa hiệu cà phê phố kiểu mới kiêu hãnh mọc lên. Những quán xá ban công mới mọc lên. Là nội, có Trung Nguyên, có Khanh Casa...; ngoại có Berne, NYDC, Starbucks, Coffee Bean Tea & Leaf hay Highlands... Đấy là dung mạo về một Sài Gòn mới hướng ra bên ngoài, một Sài Gòn đang vừa nỗ lực xác lập căn tính quốc tế lại vừa tự vấn về bản sắc của mình. Bước vào những ngôi quán cà phê toàn cầu này, ta đến thẳng quầy và gọi một ly latte hay espresso, không quên dặn nhân viên pha chế “nhớ làm kiểu châu Á” rồi biến một chiếc bàn nào đó thành văn phòng giao dịch cho việc công sở trong ngày.
Cà phê cho người ta cái khoảng cách với đời sống nhưng cũng cho người ta sự nhập cuộc hài hòa với cộng đồng. Cà phê mang đến sự thoát ly với hiện thực bộn bề nhưng cũng có khi đưa người ta vào một thiên đường phù phiếm. Thì mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi chọn lựa, ly cà phê cùng không gian của nó sẽ trả lời câu hỏi con người đang cần gì, kiếm tìm gì trong cuộc hiện sinh này.
Hãy ném mình ra giữa dòng chảy của một thú ẩm thực để sống.