Thời may, có dịp ăn lại món cháo "lai" canh khoai mì ở quê nhà miệt Gò Công, tỉnh Tiền Giang, thật hân khoái làm sao.
Hôm đó, tôi được đãi món cháo khoai nấu cùng cá lóc đồng. Khác biệt ở chỗ, người nấu còn "dằn" (nêm) thêm một, hai muỗng canh nước mắm ngon vào nồi cháo cho thêm đậm đà, trước khi rắc hành, tiêu.
Lúc đầu, nồi cháo tỏa mùi thơm hấp dẫn khá giống với món cháo bánh canh bột gạo. Nhưng khi nếm vào, mới cảm nhận rõ vị ngọt thanh đậm và béo nhẹ từ mỡ cá đồng cùng độ thơm ngọt đặc trưng của nhựa củ mì tươi.
Và lạ lùng thay! Dường như, lúc nuốt cháo đến đâu người ăn liền cảm nhận rõ dưỡng chất đang "chạy" đến đó vậy. Húp xong một tô, người vã mồ hôi đầm đìa, thật sảng khoái.
Bổ dưỡng, dễ tiêu, cháo lai canh khoai mì. Đặc biệt, cháo này không ăn kèm rau.
Đặc biệt, món cháo này không cần rau ăn kèm. Nếu cảm thấy lạt (nhạt) thì chan vào ít nước mắm nhĩ giầm ớt hiểm, sẽ thật hài hòa.
Gặp tiết trời nóng nực, người uể oải nên dễ chán ăn. Thế nhưng, hễ có ai mời húp cháo khoai mì, tôi lại hứng thú vô cùng. Bởi nó lạ miệng và dễ tiêu.
Món này, có thể ăn lót dạ hoặc làm canh chan cùng cơm nguội trong bữa chính. Sang hơn thì kèm thêm nồi cá bống kho tiêu hoặc ơ nước mắm kho quẹt với nhiều tóp mỡ và lấm chấm tôm khô nhỏ, cỡ phân nửa đầu đũa. Bao hao cơm!
Ăn vào sẽ cảm nhận rõ vị ngọt thanh đậm và béo nhẹ từ mỡ cá đồng.
Món cháo "lai" canh kiểu nhà quê vùng tây Nam bộ đó, có thể thể nấu cùng vài ba con cá đồng (lóc nhỏ, rô, sặc) hoặc mớ tôm, tép để thêm ngọt nước. Có nơi, còn "chơi sang" hơn, nấu cùng thịt gà tre hoặc gà ta tơ.
Thế nên càng ngẫm nghĩ, càng thương chái bếp liếp mì!
Bởi muốn có món canh chất lượng vừa kể, yêu cầu quan trọng nhất là, phải có khoai mì tươi mới, dạng vừa nhổ lên là tốt nhất. Khoai cũ, sẽ giảm độ ngọt thơm đặc trưng. Đặc biệt, giống khoai mì "trẻ" trồng 3 tháng cho thu hoạch lại đắc dụng hơn khoai "già", phải trồng 6 tháng củ mới đủ lớn. Bởi chùm củ của khoai 3 tháng luôn ngọt thơm vượt trội.
Lẽ dĩ nhiên, khoai mì có thể chế biến thành nhiều món chân quê thơm ngon khác, như: mài ra, vo viên nấu cà ri hoặc rưới vào ít sữa đặc có đường ép vào khuôn kiểu như bánh in đem nướng lửa than hay gói bánh ít, hấp bánh tằm…
Vò khoai mì nguyên liệu cho món cà ri.
Thế nhưng, vẫn không ấn tượng đậm sâu bằng loại súp "lai" canh vừa tả. Bởi món này, không chỉ lạ miệng, bổ dưỡng mà còn khiến người viết hoài nhớ về các món cháo lẫn canh thú vị từng nếm trải. Nó như, một lằn ranh mong manh giữa các món cháo và canh thật chất lượng vậy.
Và càng hạnh phúc hơn với những tâm hồn luôn đầy ắp một ký ức chân quê với chái bếp, liếp mì… phe phẩy!
Cách nấu món cháo khoai mì "lai" canh với cá lóc hoặc gà ta cơ bản như sau: Gọt vỏ và rửa sạch mớ khoai mì nguyên liệu, chia làm đôi. Phân nửa xắt mỏng, bằm sơ. Nửa còn lại xắt miếng lớn, cỡ vừa gắp. Khi nước vừa ấm thì cho mớ củ mì bằm nhỏ vào trước, hầm nhừ. Kế nữa, mới cho phần khoai mì còn lại vào.
Cá lóc làm sạch, cắt thành khứa dài, cỡ ba lóng tay người lớn, để ráo. Thả cá vào nồi cùng lúc với mớ khoai xắt miếng lớn. Canh, cá chín thì vớt ra. Chờ nguội. Rỉa lấy thịt nạc, bỏ hết phần xương. Kế đó, cho khoảng 1/3 lượng thịt cá đã rỉa vào lại nồi cháo, để nước cháo thêm ngọt.
Hoặc nấu với thịt gà, chặt thịt gà nguyên liệu ra miếng vừa gắp, ướp: muối, đường, bột ngọt trước khoảng 15 - 20 phút. Chiên vừa vàng nhúm củ hành tím, xào sơ thịt gà rồi mới cho vào nồi cháo/canh khoai.
Sau cùng, nêm nếm vừa miệng với nhóm gia vị thông dụng: đường, muối, bột ngọt. Và quan trọng nhất, phải rắc nhúm hành lá tươi xanh xắt nhuyễn với vài ba muỗng cà phê tiêu bột thơm nồng nàn vào.