Mù Cang Chải - nơi đã nức danh trong và ngoài nước vì những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh đồng thời là danh thắng Di tích Quốc gia - luôn là lựa chọn hàng đầu.
Có lẽ tổ tiên đồng bào Mông cũng không ngờ là sau mấy trăm năm, những thửa ruộng của dân tộc mình lại làm đắm say lòng lữ khách đến vậy
Mù Cang Chải có hai mùa đẹp: mùa nước đổ vào ruộng và mùa lúa chín. Nếu mùa nước đổ được dân săn ảnh ưa chuộng hơn thì mùa lúa chín là thời điểm bất kỳ ai yêu ruộng bậc thang xứ này đều háo hức tìm đến, chứ không riêng dân nhiếp ảnh.
Thời gian này, hễ gặp xe du lịch các loại hay các tốp xe máy dừng bên vệ đường ngắm cảnh, chụp ảnh thì biết họ là du khách tứ phương xa đang tìm đến nơi này. Đơn giản vì Mù Cang Chải đang vào mùa đẹp nhất. Độ tháng Chín, tháng Mười, lúa trên nương rẫy, lúa đong ứ đầy trên từng thửa ruộng trĩu hạt đang chờ tay người hái.
Xứ của lúa trên triền núi và trong mây
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 180km theo hướng Quốc lộ 32. Đây là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà.
Nếp nhà đơn sơ của đồng bào Mông
Lên Mù Cang Chải, du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ trên dãy Hoàng Liên Sơn với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, bên những ruộng bậc thang nổi tiếng Tây Bắc.
Nét đặc thù canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình đã biến tên Mù Cang Chải (có nghĩa là làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh tràn trề sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên trời.
Dưới bàn tay con người trải qua hàng trăm năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo mà còn ẩn chứa nhiều điều thú vị về giá trị lịch sử, văn hóa. Cư dân Mù Cang Chải có đến 90% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Kinh, dân tộc Thái và các dân tộc khác.
Sự đa dạng về dân tộc đã tạo cho Mù Cang Chải một nền văn hóa phong phú. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng, còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Canh tác những thửa ruộng giữa lưng chừng trời ấy không ai khác ngoài bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu.
Chủ nhân của những thửa ruộng trong mây ấy thường chỉ sống trên cao. Họ xuống ruộng để trồng lúa rồi lại lên tít trên cao mà ở. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi.
Thật không thể ngờ khi những tầng đất dễ dàng sụt lở của xứ Yên Bái lại sở hữu những mảnh ruộng bậc thang vững chắc và đẹp đến thế. Có lẽ tổ tiên đồng bào Mông không ngờ là sau mấy trăm năm, những thửa ruộng của dân tộc mình lại làm đắm say lòng lữ khách đến vậy.
Bức tranh sơn thủy
Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, đường đi luôn lượn vòng vèo dằng dặc qua bao nhiêu là dốc đèo. Cảnh đẹp miền Tây Bắc không thiếu nhưng khi qua miền Mù Cang Chải, ngắm cơ man nào là ruộng lúa - ruộng ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng trồi trên non ở vùng đất thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái này, tôi lại thấy ấn tượng hơn cả.
Đã có lúc tôi đứng ngây người trước những khung cảnh thanh bình yên ả như bức tranh miền cao đang hiển hiện trước mắt mình. Tôi hít thật sâu cái không khí thanh khiết vô nhiễm thoang thoảng mùi núi rừng của vùng cao, chen hương nhè nhẹ của lúa đang mùa. Kẻ lữ khách miền xuôi chợt thấy chẳng bõ công, xén thời gian lặn lội đến tận đây.
Hôm tôi đến, dù thời tiết mùa này ở vùng cao nắng xen mưa và có cả mây mù, không ủng hộ cho việc ghi lại những tấm ảnh đẹp nhưng bù lại, tôi được ngắm thật nhiều mảng màu trên những bậc thang lúa khác nhau, cái thì chín vàng, cái thì đã vào mùa gặt sớm, cái đang quá thì con gái từ lâu, trĩu hạt làm đòng chờ ngày chín tới. Những màu xanh ngả vàng như lan ra từ rừng già, từ những sườn đồi.
Chừng khoảng gần một chục cây số đường đèo vòng vèo dắt ánh mắt du khách qua nhiều mảnh ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, trong đó có không ít theo thế núi đồi sẵn có mà uốn lượn, trông xa hấp dẫn như những mảng màu ghép tuyệt đẹp của một bức tranh miền cao.
Những chủ nhân thị trấn Mù Cang Chải
Thoảng trong gió là mùi lúa thơm như muốn kích thích hơi thở. Điểm xuyết cho bức tranh ấy thêm duyên dáng, có hồn hơn và khiến các nhiếp ảnh gia chuyên hoặc không chuyên đỡ vất vả hơn cho việc sáng tác là những chiếc lán được dựng để canh lúa. Chúng nằm nhô ra trên sườn núi dựng dốc, rải rác khắp nơi giữa cơ man là ruộng, là lúa, trông đơn côi mà đẹp đẽ, bình yên và thơ mộng.
Cho nên, hễ nghe nói có lễ hội gì tổ chức ở đây, tôi lại vừa mừng vừa lo. Mừng khi vùng lúa nương đồi này được quan tâm nhiều hơn và lo rằng nếu người người lũ lượt tìm đến, có nguy cơ ảnh hưởng không gian bình yên vốn có ở những ruộng nương trăm năm này.
May thay, cho đến bây giờ, có vẻ như tôi vẫn đang lo xa. Mù Cang Chải vẫn luôn nằm yên bình trong suy nghĩ của tôi. Chào Tây Bắc và hẹn ngày trở lại vào một mùa lúa chín khác.
Mù Cang Chải cách Hà Nội khoảng 280km, là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp huyện Văn Bàn (Lào Cai), phía nam giáp huyện Mường La (Sơn La), phía tây giáp huyện Than Uyên (Lai Châu), phía đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh. Thị trấn nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Để đến đây, bạn có thể mua tour, thuê xe ô tô hoặc đi xe khách vượt qua đèo Khau Phạ, cũng là dịp bạn được trải nghiệm một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.
Một vài nhà xe cho bạn tham khảo: Nhà xe Hưng Thành, lịch trình: Mỹ Đình - Lai Châu (có qua Mù Cang Chải), giờ xuất bến: Mỹ Đình 18g15, Lai Châu 17g30; Nhà xe Hải Vân, lịch trình: Mỹ Đình - Mù Cang Chải - Lai Châu, giờ xuất bến: Mỹ Đình 19g15, Lai Châu 19g30.
Trong thị trấn hiện có khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ cung cấp dịch vụ cho thuê xe máy khám phá Mù Cang Chải, giá trung bình 130.000 - 150.000 đồng/ngày. Lưu ý nếu đi vào mùa đông, có thể bạn không có nhiều sự lựa chọn khi tìm nhà nghỉ, khách sạn. Nếu chỉ định ở Mù Cang Chải một ngày hoặc Mù Cang Chải chỉ là một điểm trong hành trình, bạn có thể lựa chọn ngủ tại thị xã Nghĩa Lộ cách đó khoảng 100km.