Khi mới vào công ty, Xiao Wang (24 tuổi, nhân viên văn phòng) được một đàn anh "chăm sóc nhiệt tình". Anh ta dạy cô kỹ năng làm việc, hỗ trợ giấy tờ, nói tốt cho cô trước mặt lãnh đạo.
Dần dần, người này bắt đầu thay đổi trong cách trò chuyện với cô. Đàn anh điều tra về đời sống riêng tư, nhiều lần cố tình đụng chạm vào người Wang.
"Tôi nghĩ mình thật may mắn khi gặp được một tiền bối thân thiện, nhưng rồi dần nhận ra anh ta đang có toan tính khác", Wang kể với The Paper. Cô càng thấy lạ hơn khi biết người đàn anh kia đã có bạn gái.
"Anh ta thường nói với tôi: 'Sẽ thật tuyết nếu bạn gái anh trông đẹp như em'. Anh ta còn vuốt tóc, lau bụi bẩn trên mặt tôi mà không cần sự đồng ý". Sự quan tâm quá mức cùng những ẩn ý trong lời nói của anh ta khiến Wang khó chịu.
Dù đã có bạn gái, đàn anh cùng công ty với Wang vẫn có những hành động và lời nói thân mật quá mức với cô. Ảnh minh họa: ONL.
Wang cho biết vì không có tổn thất rõ ràng nên cô không dám báo cáo lên cấp trên. Hơn nữa, cô sợ những tin đồn thất thiệt. Cuối cùng Wang chọn cách bỏ việc.
Wang không phải nạn nhân hiếm hoi của thực trạng quấy rối nơi công sở. Những câu chuyện về người trẻ mới bước chân vào nơi làm việc, bị cấp trên hoặc tiền bối dùng quyền lực để giở trò đồi bại được chia sẻ đầy rẫy trên các diễn đàn lớn ở Trung Quốc.
Vì thiếu kinh nghiệm ứng xử xã hội, người trẻ khó phân biệt được giữa các hành động xã giao, thân thiết hay quấy rối. Nhiều nhân viên mới thường chọn im lặng vì lo sợ điều tiếng, đánh mất hình ảnh cá nhân hay bị trả thù. Có những người bị quấy rối cuối cùng chọn cách bỏ việc.
Nhiệt tình hay quấy rối?
Thực tế, cả nữ và nam giới đều có thể trở thành mục tiêu của kẻ biến thái. Yijie (25 tuổi) từng là thực tập sinh của một công ty quản lý tài sản. Anh được nữ giám đốc điều hành 40 tuổi chú ý bởi vẻ ngoài điển trai.
Anh chàng cho biết lúc mới vào làm, nữ giám đốc thường tỏ ra quá thân mật khi nói chuyện với anh trong phòng riêng suốt nhiều giờ liền. Không có suy nghĩ gì khác, Yijie chỉ coi sự quan tâm của cấp trên là "thiện chí" của người lãnh đạo.
Anh nói mọi chuyện dần trở nên khó xử. "Sếp thường yêu cầu tôi gọi điện riêng hay nhắn tin vào buổi tối và gọi tôi là 'anh trai'".
Yijie cho biết nữ giám đốc còn thường xuyên chụp ảnh selfie với anh, hỏi anh rằng màu son và quần áo của cô có đẹp không, thậm chí gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Yijie và bạn gái. Điều này khiến anh rất khổ tâm và cảm thấy khủng hoảng.
Nam giới cũng có thể là nạn nhân bị quấy rối. Ảnh: New York Post.
Anh quyết định không trả lời tin nhắn của nữ cấp trên ngoài giờ làm việc để bày tỏ thái độ của mình. Điều đó khiến nữ giám đốc tức giận, cô ta công khai chỉ trích Yijie trong các buổi họp của công ty. Không chịu nổi sự "đàn áp", anh phải xin từ chức.
Wang Jing, chuyên gia tâm lý, cho rằng tấn công tình dục thể hiện cảm giác kiểm soát quyền lực, và nạn nhân không phân biệt giới tính. Hiện nay, việc đàn ông bị quấy rối tình dục nơi công sở, cùng lý lẽ "con trai không bị tổn hại" càng khiến cánh mày râu cảm thấy khó nói ra vấn đề.
Luật sư Zhong Zhipeng, đại diện của Đại biểu Quốc hội tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), cho biết trước khi Bộ luật Dân sự được thông qua, nhân viên nam không được xác định là nạn nhân của quấy rối tình dục và quyền chống quấy rối tình dục chỉ dành riêng cho phụ nữ.
Khoản đầu tiên của Điều 1010 Bộ luật Dân sự mới ban hành quy định biểu hiện của nạn nhân của quấy rối tình dục là "người khác". Có nghĩa là khi nam và nữ bị quấy rối tình dục, các quy định đều được áp dụng như nhau để bảo vệ họ.
Tỏ thái độ dứt khoát
Cách đây 5 năm, khi mới tốt nghiệp đại học, Yueyue vào làm tại một công ty quảng cáo với tư cách trợ lý giám đốc. "Trong cuộc phỏng vấn, người quản lý hỏi tôi có thể uống rượu không, nhưng tôi nói rằng mình không thể uống quá nhiều", Yueyue cho biết.
Nhiều người bị quấy rối nhưng không dám lên tiếng, chọn cách bỏ việc. Ảnh: The Paper.
Ngay sau khi gia nhập công ty, người quản lý thường đưa cô đến các cuộc họp kinh doanh.
"Cấp trên sẽ bố trí các cô gái ngồi cạnh khách hàng nam. Một số khách hàng bắt đầu kể chuyện cười khiêu dâm sau khi uống rượu, rồi động tay động chân. Những vị cấp trên cũng biết rõ điều này", cô kể.
Yueyue thấy cấp trên và khách hàng dùng cái gọi là "tinh thần khi uống rượu" của họ để hành động lỗ mãng với phụ nữ trên bàn ăn, khiến những bữa nhậu trở thành "vùng thảm họa" của nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc thời hiện đại.
"Mọi người xung quanh coi đó là điều hiển nhiên. Tôi thậm chí còn tự hỏi liệu mình có quá thận trọng khi rời khỏi đó hay không".
Yueyue nói rằng áp lực từ cấp trên và đồng nghiệp rất đáng sợ đối với nhân viên mới. Nó còn khiến họ mơ hồ, chán nản và dễ vượt quá sức chịu đựng.
"Vẫn có những người trong xã hội cho rằng nạn nhân bị quấy rối tình dục vì ăn mặc quá sexy và trông quá xinh đẹp. Loại lý thuyết đổ lỗi cho nạn nhân này gây rất nhiều áp lực tâm lý cho người bị quấy rối", Wang Jing, chuyên gia tư vấn tâm lý, bày tỏ.
Wang cho rằng suy nghĩ như vậy không tốt cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị quấy rối tình dục.
Từ chối bị quấy rối với thái độ mạnh mẽ là điều hoàn toàn nên làm. Nếu những nhân viên trẻ bị xâm phạm "ranh giới tâm lý" của mình, họ phải bày tỏ sự phản đối một cách mạnh mẽ và dứt khoát để đối phương rút lui.