"Nếu anh đi với người yêu
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em".
Thi phẩm Con đường của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một điển hình của sự vấn vương tình cũ. Có lần bà đã đặt câu hỏi trắc nghiệm trên Facebook cá nhân rằng: Trong số các bạn nữ đã từng chia tay tình cũ, ai là người cực đoan không thèm nhìn mặt người yêu cũ, có gặp cũng không chào, không hỏi, không nói, không quen và ai là người vẫn còn chút bâng khuâng như Phan Thị Thanh Nhàn?
Tôi đùa rằng, vẫn còn một lựa chọn thứ ba, đấy là coi họ như… người quen. Bởi phàm coi nhau như "kẻ thù" thì chí ít vẫn còn vương còn vấn, chỉ khi thực sự trở thành "người quen", tức là mối quan hệ đã tiệm cận ở sự "dửng dưng" thì tình ấy mới hết hẳn.
Còn coi người yêu cũ như kẻ thù là còn vương vấn - Ảnh minh họa
1.
Cô bạn tôi thi thoảng nhớ ra, lại giật mình nghĩ rằng lát nữa, cô phải vào Facebook của người cũ xem anh sống ra sao. Nhưng tới lúc bật máy tính, cô thường bận rộn với việc trả lời thư tín, tin nhắn, điểm tin trong ngày hoặc trả lời bình luận mà quên tiệt cái ý định kia đi, để rồi ngót mấy tháng sau lại giật mình "Thôi chết, sáng mai mình phải vô coi người ta sống ra làm sao." Cái "sáng mai" ấy kéo dài tới nhiều năm, nghĩa là từ ngày đôi bên "kết bạn" với nhau trên mạng, cô… chưa từng vào "nhà" người yêu cũ lần nào.
Nghe chia sẻ ấy tôi cảm thấy lạnh người, bởi tôi từng chứng kiến bạn mình đã yêu người ấy đến thế nào, chứng kiến cô phờ phạc mỗi lần cả hai giận nhau và cả những giọt nước mắt không giấu giếm. Thế rồi đến một ngày "Ô, anh kia chỉ người quen".
Tình đến và đi thường nghiệt ngã là vậy nhưng dân gian lại có câu "Tình cũ không rủ cũng đến", tựa như mặc định điều ấy là phổ biến. Cũng chính vì thế mà người mới thường rất hay ghen với người cũ, đặc biệt khi người trong cuộc vì đã dứt tình toàn tập, trong lòng chỉ coi đó là "người quen cũ" nên thản nhiên kể về "người ta" như trong tâm thế kể về… hàng xóm. Người mới đâu hiểu, lại cứ tưởng đối tác vẫn dùng dằng, da diết lắm, rồi dằn vặt, khổ sở. Ấy là đôi bên cùng dại.
Tôi còn nhớ hồi học cao học, thầy dạy triết nói một câu bất hủ: "Anh chị nào mà hay ghen với tình cũ là dại lắm. Có sợ thì sợ cái mới kia kìa".
Chuyện quay lại với tình cũ trong đời thực chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn thường nhất là xảy ra trên… màn bạc. Ở đó, trong những khúc phim tình cờ ấy, khi hai người va phải nhau giữa phố vắng, trên lá vàng xào xạc rơi, trong một buổi hoàng hôn heo may lạnh lẽo, ánh mắt bất thần ngơ ngác chạm nhau, nửa mừng vui, nửa cay đắng và da diết, thì nhạc bắt đầu nổi lên. Sonata ánh trăng, Bản tình ca mùa đông hay Appassionata, khúc nào cũng được, cứ loại nhạc rút ruột, moi tim người ta ra là được, sao cho nhân vật hóa đá trên vỉa hè còn khán giả thì chết lặng trên salon.
Ngắm nghía những trường đoạn kinh điển ấy, những cô gái trẻ đâm ra mơ mộng, dù thực tế, khi tuổi bắt đầu già hơn, chí ít là trưởng thành hơn, họ nhận ra rằng, tình cũ chỉ nên đưa khúc đầu vào hồi ức, còn lại nên quên bớt cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp.
2.
Thuở xa xưa, nam nữ hay bị ép duyên, dẫn đến việc yêu người này mà phải lấy người kia, hoặc chiến tranh ngăn cách, hoặc sinh bất phùng thời, kiểu "đúng người sai thời điểm", đang yêu thì lại bị cấp trên kỷ luật vì cái tội… yêu, tội ích kỷ và lãng mạn giữa thời chiến nên đành dứt ruột mà chia tay. Mai này có lấy ai thì vẫn lưu giữ thấp thoáng một bóng hình.
Vài chục năm sau, đến ngày có cơ duyên gặp lại, đôi bên nghẹt thở vì hồi hộp, run rẩy vì chờ đợi, bỡ ngỡ vì hạnh phúc, cho đến khi chạm mặt tình cũ, thì giật mình đánh thót, giờ tiến đến cũng dở mà chạy giật lùi cũng không xong. Ấy là vì trong đầu "chàng", "nàng" khi ấy vẫn khư khư hình bóng diễm lệ mà ngào ngạt thanh xuân của tuổi đôi mươi. Chàng thư sinh với khuôn mặt đàn ông rắn rỏi, ánh mắt sáng bừng ấm áp. Nàng mảnh mai, duyên dáng với làn da trắng ngần, đôi môi ửng hồng e lệ.
Và giờ trước mặt là ai đây? Một cụ ông và một lão bà xa lạ, bụng to, tóc bạc, da ngả đồi mồi, mắt nheo nheo để nhìn cho rõ. Nên nhiều người khôn ngoan chọn cách bất tử trong dung ảnh của người cũ, nhất định không chịu gặp lại, để cứ mãi là vấn vương giữa thiêng liêng bền vững.
Còn ngày nay, người ta chia tay nhau chỉ vì mâu thuẫn đến mức chán ngấy không chịu nổi. Ví thử ngày chia tay còn chút gì nuối tiếc thì cũng bị đời sống, công việc bộn bề và những mối tình mới hoàn tất nốt nhiệm vụ của nước tẩy rửa Sumo siêu sạch. Trong một số trường hợp, lời chia tay được đưa ra từ một phía, người kia bị bỏ rơi trong đau khổ, thì cũng khó lắm ngày tái hợp khi mà đàng đấy cứ chờ hoài "hiệp định song phương".
Gặp lại người cũ, phần nhiều trong lòng người ta dậy lên cảm giác ấm áp, như khi quay về cố hương, thăm lại trường cũ, nhà cũ, hàng xóm cũ hay gặp lại bạn bè xưa. Đó chính là cảm giác bâng khuâng và quen thuộc. Dù gì người kia cũng đã từng thuộc lòng thói quen, sở thích, tính nết của ta. Tình càng gắn kết, sự "thuộc lòng" ấy càng đa dạng và phong phú. Chí ít cũng thuộc hơn những người quen sơ.
Chính vì cảm giác gần gũi, ấm áp bất chợt ấy mà người ta bị lóa mắt, dẫn đến lầm tưởng rằng đôi bên vẫn còn tình, đặc biệt khi ta đang thất vọng về người hiện tại. Cuối cùng, thất vọng chồng lên thất vọng và nhân đôi thành tuyệt vọng. Người ta sẽ mất cả chì lẫn chài, cả người hiện tại và lần nữa, đối mặt với những mâu thuẫn mới xuất hiện ở người cũ. Đến lượt này thì chắc khó nhìn mặt nhau thêm lần nào nữa.
3.
Nhiều người cho rằng khi chia tay nhau vẫn có thể trở thành bạn tốt. Đó là một câu phổ biến lúc chia tay hoặc chí ít người ta khuyên nhau như vậy. Nhưng từ chính xác ở đây nên là "người quen cũ". Bởi định nghĩa bạn tốt là gì, là người có mặt bất cứ khi nào ta cần có họ, là người ta có thể chia sẻ tâm tư ngọt bùi và đôi khi đồng hành trong các sở thích.
Đã là bạn mà lúc cần lại từ chối không tới thì là… "bạn xấu". Vậy bạn mà thất thanh gọi một câu là tới giúp đỡ, rồi tỉ tê nơi cà phê quán nhỏ, thậm chí… đi xem phim cùng nhau nữa thì… lịch sử lặp lại mất rồi.
Chẳng may người yêu cũ có người yêu mới thì người mới chẳng bao giờ muốn tồn tại kiểu "bạn tốt" quý hiếm như vậy.
Có những phụ nữ khi buồn lại hẹn gặp người yêu cũ - Ảnh minh họa
Nhiều phụ nữ dù đã hết yêu rồi nhưng lắm lúc "buồn tình" vẫn rủ người cũ ra ngoài quán trút bầu tâm sự, thực là chỉ muốn gặp người ấy với tư cách bạn bè. Người ta còn tình nên vẫn muốn gặp gỡ và trong ánh mắt vẫn cứ chứa chan hy vọng, nghĩ rằng nàng hẹn gặp là còn nhớ tới mình, ngờ đâu nàng chỉ muốn "bạn tốt" đến ngồi buôn dưa lê phút chốc cho đỡ cám cảnh. Cuối cùng lại gây thất vọng, khổ sở cho đối phương.
Nên thôi, tình cũ hẵng cứ là "người quen cũ" đã là tốt lắm rồi. Đối với người quen cũ, chẳng phải ta cũng vẫn kính trọng, vẫn chào hỏi, vẫn nói tốt về họ đấy hay sao? Chỉ ngần ấy thôi đã là văn minh lắm rồi. Mọi sự không rõ ràng mới thực kém văn minh.