Di sản Mỹ Sơn hiện mỗi năm đón khoảng 400.000 lượt khách tham quan - Ảnh: B.D.
Đây là những vấn đề được nêu ra để tìm kiếm giải pháp tại buổi tọa đàm sáng 3-12 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tròn 20 năm ngày được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.
"Mới chỉ là điểm tham quan, chưa phải điểm đến"
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, ông Phan Xuân Thanh, khẳng định vậy khi nói về du lịch tại di sản Mỹ Sơn sáng 3-12. "Điểm tham quan được hiểu là nơi mà du khách ghé qua trên hành trình, còn điểm đến phải bao gồm cả một hệ sinh thái đi kèm, trong đó yếu tố quan trọng nhất là dịch vụ, là lợi ích tạo ra được cho cộng đồng chủ thể di sản.
Tôi khẳng định hiện chưa có hệ sinh thái này ở Mỹ Sơn" - ông Phan Xuân Thanh nói.
Ông Nguyễn Công Khiết - phó giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn - cho biết hết năm 2019, lượng khách tham quan di sản Mỹ Sơn ước đạt 420.000 lượt, tổng doanh thu khoảng 62 tỉ đồng.
Những năm trước, du lịch Mỹ Sơn phát triển chủ yếu dựa vào nguồn chính là khai thác tài nguyên sẵn có, chất lượng dịch vụ chưa tốt, cơ sở hạ tầng yếu. Sự không đồng bộ dẫn đến dịch vụ nghèo nàn, sản phẩm không nổi trội, sự liên kết thiếu ổn định.
Khách tham quan di sản Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Vài năm nay, Mỹ Sơn đã có biến chuyển hơn với các dịch vụ ngày một nhiều để phục vụ khách, tuy nhiên lượng khách tới tham quan và lưu trú lại thì vẫn rất ít ỏi.
Ông Trần Lực - phó giám đốc Công ty TNHH MTV DVLH Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng - cho rằng tầm vóc của Mỹ Sơn không hề thua kém các di sản trong khu vực. Ông phân tích: "Những năm 1990 trở đi, khi Mỹ Sơn bắt đầu mở cửa, di sản này vô cùng hấp dẫn. Các doanh nghiệp du lịch coi đây là nơi để "đánh quả" dù lúc đó cơ cở hạ tầng kém nhưng khách vẫn rất thích".
Nêu con số tăng trưởng ấn tượng thấy rõ qua các năm, ông Lực cho rằng Mỹ Sơn vẫn còn rất nhiều việc phải làm, khâu yếu nhất vẫn là chưa có khách lưu trú. Điều này chỉ đạt được một khi việc "ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi" được tạo ra và đủ hấp dẫn để khách nán lại.
Muốn phát triển thì phải giữ được di sản
Các công ty lữ hành, chính quyền địa phương và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam đều cho rằng trong việc phát triển, tạo ra giá trị từ di sản bài học 20 năm qua từ Hội An lẫn Mỹ Sơn đều cho thấy muốn có lợi nhuận từ di sản thì phải biết làm du lịch. Muốn làm được du lịch, điều bất di bất dịch là phải giữ được nguyên vẹn di sản.
Trung tâm di sản Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Phó giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết nhận định: "Cùng với công tác hạ tầng, việc xây dựng và gìn giữ thương hiệu di sản đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Thương hiệu di sản là giá trị nổi bật nhất thu hút khách tham quan".
Ngoài việc các giá trị văn hóa vật thể được quan tâm tôn tạo gìn giữ và phát huy, tránh những tác động tiêu cực từ du lịch mang lại, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn còn tập trung đầu tư, "làm mới" cho văn hóa phi vật thể đặc trưng tại Mỹ sơn như như múa Chăm, định hướng thương hiệu du lịch thân thiện với môi trường, mở rộng không gian du lịch…
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitour - cho rằng nếu đem so với lượng khách đã đến Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, lượng khách đến với Mỹ Sơn quá khiêm tốn. Số liệu năm 2018 cho thấy lượng khách đến Mỹ Sơn chỉ chiếm 6% số khách đến Quảng Nam, bằng 5,12% so với Đà Nẵng và bằng 9,12% so với Thừa Thiên Huế.
Khách nội địa chưa quan tâm nhiều đến Mỹ Sơn, trong khi hình ảnh và quảng bá Mỹ Sơn còn khiêm tốn. "Khách đến Mỹ Sơn cần biết tới đó thì sẽ đi những đâu, thăm gì, ăn gì, mua gì…", ông Tùng nói.