Tây Tạng có diện tích lớn thứ hai ở Trung Quốc, chỉ sau khu tự trị Tân Cương. Ảnh: Tibet Discovery.
Với độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, trên vùng núi Himalaya, Tây Tạng là cao nguyên cao nhất hành tinh. Khi du lịch ở đây, du khách có thể cần sử dụng bình oxy.
Không giống khách du lịch, người Tây Tạng có gen khác biệt, giúp thích nghi với địa hình khắc nghiệt. Đó là lý do họ có hệ tuần hoàn và tim mạch khỏe mạnh, để có thể sinh sống ở độ cao như vậy.
Mặc dù có địa hình núi cao hiểm trở, vùng đất này có cơ sở hạ tầng phát triển. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch, điều kiện nơi ở của Tây Tạng được cải thiện nhiều. Khách sạn và nhà nghỉ được xây dựng ở các thành phố lớn nhỏ, với một số khách sạn xếp hạng sao như Lhasa, Shigatse, Tsedang và Nyingchi. Hầu hết con đường ở Tây Tạng đều rộng và sử dụng tốt. Dọc theo những cung đường, du khách có thể khám phá nhiều điểm tham quan ở vùng đất này.
Được mệnh danh là cực thứ ba của thế giới, Tây Tạng sở hữu nguồn nước và băng khổng lồ sau Bắc cực và Nam cực. Đặc biệt, vùng đất thiêng còn là nơi bắt nguồn của những con sông lớn ở châu Á như Mekong và Trường Giang.
Theo lịch mặt trăng, mỗi năm Tây Tạng tổ chức hơn 100 lễ hội, thể hiện bản sắc văn hóa và tôn giáo khu vực. Trong mỗi lễ hội lại có chuỗi hoạt động như các trò chơi, lễ kỷ niệm, hội chợ... Là trung tâm văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng, thành phố Lhasa có nhiều lễ hội tập thu hút khách du lịch như Tết Tây Tạng và lễ hội Shoton.
Lễ cầu nguyện Monlam là lễ hội lớn nhất ở Tây Tạng, thường được tổ chức từ ngày 4 đến 11 tháng Giêng, theo lịch mặt trăng. Ảnh: Equus Journeys. |
Thời gian thích hợp nhất để du lịch Tây Tạng là mùa thu và xuân, khi tiết trời mát mẻ và trong xanh. Tuy nhiên, Tây Tạng cũng là điểm đến thú vị cho du khách vào mùa đông. Lhasa được mệnh danh là thành phố ánh dương với 3.000 giờ sáng mỗi năm. Vào mùa đông, nhiệt độ trung bình của thành phố là 10 độ C, cung điện Potala và chùa Đại Chiêu vắng khách du lịch hơn các mùa cao điểm.
Bò lông dài Yak đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Tây Tạng. Không chỉ giúp canh tác nông nghiệp, bò yak còn là nguồn cung cấp sữa, bơ và sữa chua trong khẩu phần ăn của người dân. Trong hoạt động du lịch, chúng còn đóng vai trò "nhân viên khuân vác", giúp du khách có thể đi bộ dễ dàng và thoải mái hơn, đặc biệt là trên đường leo núi Kailash Kora.