Đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng công ty Panasonic Việt Nam tham gia trồng rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa
Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Panasonic Việt Nam đã khởi động chương trình trồng rừng "Sống khỏe góp xanh" tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).
Theo đó, Công ty Panasonic Việt Nam phối hợp với Trung tâm Truyền thông của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ban Quản lý vườn quốc gia Núi Chúa tổ chức trồng 12.000 cây xanh tại khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh khỏe mạnh tới đông đảo người dân Việt Nam. Đây là chiến dịch trồng rừng đầu tiên của Panasonic có sự tham gia góp sức của đối tác và khách hàng trên khắp cả nước.
Chương trình chính thức được khởi động từ ngày 1-11-2022, kéo dài đến ngày 31-3-2023. Với mỗi sản phẩm thuộc Bộ giải pháp sức khỏe toàn diện được bán ra, Panasonic sẽ trồng 1 cây nhằm phát triển rừng Việt Nam. Sau khi tham gia chương trình và kích hoạt đăng ký bảo hành điện tử thành công, khách hàng sẽ nhận được mã số cây để theo dõi tiến độ trồng và hành trình sinh trưởng của cây trong vòng 3 năm tới.
Ông Marukawa Yoichi, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam ( bìa trái) và ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ( bìa phải) trồng những cây đầu tiên tại Vườn quốc gia Núi Chúa
Ông Marukawa Yoichi, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam, chia sẻ: "Thông qua chương trình, chúng tôi kỳ vọng có thể truyền cảm hứng về lối sống khỏe mạnh toàn diện và trách nhiệm với môi trường tới đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam". Còn ông Trần Văn Tiếp, đại diện Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, bày tỏ: "Tôi tin rằng chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" với sự đồng hành của Bộ Tài nguyên của môi trường sẽ mang lại giá trị lâu dài cho người dân Ninh Thuận".
Ninh Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước. Do vậy, tỉnh này đặt mục tiêu trồng 9 triệu cây xanh từ năm 2021 đến 2025 để phủ xanh, cải thiện tình trạng hạn hán kéo dài, góp phần cải tạo cảnh quan và chống biến đổi khí hậu.