- Cô ơi! Cô ơi!...
Tôi vội mở toang cánh cửa ra. Ngọc, cô học sinh lớp 7 tôi đang chủ nhiệm, bước vào với khuôn mặt buồn buồn, mồ hôi nhễ nhại và trên tay cầm một vật được gói rất cẩn thận trong tờ giấy trắng của học trò. Giọng em run run: “Thưa cô, cho em gửi lại số tiền ngày hôm qua. Em là kẻ không trung thực. Em là kẻ xấu. Cô tha lỗi cho em”. Tôi ngạc nhiên: “Tiền gì? Sao em lại là kẻ xấu?”. Mắt cô bé ươn ướt nước, giọng nghèn nghẹn: “Thưa cô! Tiền… quỹ lớp”. Tôi chợt nhớ ra câu chuyện xảy ra vào sáng hôm qua.
Lúc ấy, đang say sưa giảng bài ở lớp 7A, em thủ quỹ lớp tôi chủ nhiệm, mặt đỏ phừng chạy sang báo:
- Thưa cô lớp mình bị mất 50.000 đồng tiền quỹ lớp.
Dừng tiết dạy trong giây lát, tôi hỏi:
- Vậy mất từ khi nào?
Cô bé trả lời:
- Thưa cô mất trong giờ ra chơi 15 phút của tiết 2.
Giờ biết làm thế nào? Tôi yêu cầu cô bé giữ quỹ lớp quay về lớp và tôi tiếp tục bài giảng. Thật may, kết thúc lớp 7A, tôi trở về lớp tôi chủ nhiệm và dạy tiết cuối với bài “Trung thực”.
Hôm ấy, tôi kết thúc bài học bằng một giọng trầm: “Các em ạ! Trung thực là thật thà và dũng cảm khi mình mắc sai lầm. Mắc sai lầm mà biết cách sửa chữa là một điều tốt, là một điều đáng quý. Hôm nay, cô rất buồn vì lớp chúng ta xảy ra một việc đáng tiếc. Và cô mong rằng nếu em nào lỡ cầm số tiền ấy thì gặp riêng cô và gửi lại, cô sẽ không phạt và quyết giữ bí mật mãi mãi”.
Thế là Ngọc đã đem trả lại số tiền mà em đã lỡ lấy của lớp. Tôi vui như chưa bao giờ được vui trong cuộc đời cầm phấn của mình. Tôi nói với em với giọng ấm áp: “Biết nhận lỗi là một điều đáng khen. Em không phải là kẻ xấu. Tuy nhiên, hãy rút kinh nghiệm và đừng biến mình thành kẻ xấu trong mắt mọi người mãi mãi”.
Tôi tiễn em về trên một đoạn đường dài trong ánh nắng chiều nhạt nhòa. Khung cảnh của một buổi chiều thu ở miền sơn cước man mác buồn nhưng lòng tôi vui đến lạ.