Chị đến nhà tôi ngay lúc hai nhóc con của tôi đang tranh nhau đồ chơi. Bé em mếu máo khóc. Tôi bảo con trai nhường em. Thằng bé phụng phịu rồi cũng đưa em, chọn món đồ chơi khác. Chị chợt thở dài: “Làm con nít thiệt sướng. Giận đó rồi quên đó. Người lớn mới khổ. Nhường người ta nhưng vẫn ấm ức trong lòng. Người ta giành được rồi cũng không để mình yên…”.
Nghe giọng buồn rầu của chị, tôi biết nỗi đau hơn hai mươi năm ấy vẫn còn nguyên. Có những vết thương tưởng hàn kín miệng thì đã lành. Nhưng bên dưới vết sẹo kia, vẫn âm ỉ đau mỗi khi trái gió trở trời…
Ảnh minh họa Năm hai mươi tuổi, chị mang thai với người yêu. Má dắt chị tới nhà anh bắt đền, đòi cưới gấp.
Má anh lại tới, bà đưa chị cọc tiền, bảo để dành sinh con, kiếm chuyện gì đó để làm. Câu đó cũng có nghĩa, chuyện cưới hỏi bà đành bó tay, không có cách nào thu xếp. Anh thì nói: “Ba má không cho cưới. Cãi lời, ba má truất quyền thừa kế thì anh ra đường. Giờ tiền bạc anh đưa em không thiếu. Vậy không tốt sao?”. Tốt cho chị và con, đâu phải chỉ có tiền. Hai mươi tuổi, học hành dở dang, hôn nhân lỡ làng. Chị biết làm sao thu xếp đời mình?
Khi bé Minh con chị được một tuổi, có cô gái trẻ đến tìm chị, khóc, năn nỉ chị nhường chồng, vì cô ta đã lỡ mang thai. Nếu cô ta làm dữ, chị sẽ quyết liệt tranh giành. Nhưng vẻ yếu đuối đáng thương của cô ấy khiến chị mềm lòng. Chị như thấy lại mình năm trước, hoang mang tột cùng với bào thai trong bụng. Anh nói sẽ không bỏ mẹ con chị, nhưng cũng không nỡ bỏ cô gái kia. Chị lặng lẽ đưa con về quê, nhường chồng nhường cha cho mẹ con cô ấy.
Ảnh minh họa |
Mỗi lần nghe bé Minh hỏi “ba con đâu?”, chị rũ xuống, cảm giác như có khối đá đè lên ngực. Tội cho con và cũng tự thương mình. Xót xa. Chị dạy con gọi vợ chồng anh chị hai của chị là ba Hai má Hai, vợ chồng em út là ba Út má Út. Chị hy vọng con sẽ thấy ấm áp và đủ đầy. Bữa, đón Minh ở nhà trẻ, chị thấy con khóc. Thì ra bạn trêu Minh không có ba đến đón. Minh cãi, Minh có nhiều ba lắm. Có nhiều ba nhưng giọng Minh buồn hiu. Có nhiều ba nhưng khoảng trống trong Minh vẫn không thể lấp đầy. Chị mang nặng cảm giác tội lỗi khi không thể cho con một gia đình trọn vẹn…
Bé Minh càng lớn càng hiểu chuyện, biết phụ mẹ việc nhà, ráng học giỏi để mẹ vui. Minh cố giang đôi tay non nớt choàng về phía mẹ, cho mẹ ấm áp. Từng ấy năm nuôi con, chị đã có thể cười trở lại.
Minh hai mươi tuổi, má anh tìm đến nhà. Bà muốn nhận lại cháu. Lần đầu được gọi tiếng bà nội, Minh đã khóc. Nước mắt của con khiến chị mềm lòng, cho Minh nhận lại cội nguồn.
Gặp lại anh, chị thấy lòng trống rỗng không cảm xúc, như thể chưa từng quen biết người đàn ông bụng phệ, bọng mắt sưng mọng vì bia rượu kia. Chị buồn cười tự hỏi, sao ngày trước có thể yêu tới mức sống chết người đàn ông tầm thường này?
Ảnh minh họa |
Hôm đó là giỗ ông nội của Minh. Bà nội bật khóc khi khấn vái “nhà mình từ nay đã có cháu đích tôn”. Vì vợ sau của anh sinh ba cô con gái, nên cả họ đều chúc mừng khi anh cười toe toét, hãnh diện giới thiệu Minh với họ hàng “con trai tôi đây”. Khách về, vợ anh khóc, năn nỉ chị từ nay đừng đưa Minh về nữa. Chị biết, cô ấy lo sợ địa vị của ba cô con gái sẽ lung lay, lo gia tài sẽ bị chia, gia đình xào xáo…
“Trước chị đã không giành, bây giờ chị càng không muốn giành. Thôi thì, chị nhường cho cô ấy một gia đình bình yên. Chị và Minh, mẹ con có nhau là đủ. Nhường rồi, nhưng đâu đó vẫn nghe đau em à”. Nỗi đau của chị, tôi hiểu lắm. Nhưng lùi một bước để thấy trời cao đất rộng, để được sống thanh thản và bình yên. Vậy cũng nên nhường phải không chị?