Chị tôi vốn là giáo viên ở tỉnh được điều về huyện công tác. Suốt gần 10 năm theo nghề giáo, chị chẳng để ý đến ai. “Con Tư mà ở giá thì mai mốt nó khổ cả đời”. Ba tôi lo lắng mỗi khi nhà tôi có giỗ mà không thấy chị dẫn bạn bè đến chơi. Khi ấy, mấy bà cô lại hối thúc: “Kiếm ai mai mối để nó lấy chồng, đã ngoài 30 coi chừng ế”. Vậy mà khi chị tôi dẫn bạn trai về các cô lại chê bai. Thấy con gái ngồi buồn thẫn thờ, ba tôi đến bên cạnh chị động viên: “Con thương đâu ba má gã đó”.
Đám cưới chị khá rình rang. Đàn trai rước dâu bằng bốn chiếc vỏ lãi mỗi chiếc có sức chứa vài chục người. Những chiếc ghe nối đuôi nhau lướt qua sông đưa chị tôi về miệt vườn. Vui nhất là trong ngày cưới, thằng cháu tôi bị chỉ định cầm theo chiếc ghế để mỗi khi chụp hình, chú rể đứng trên chiếc ghế ấy cho thấy họ thật xứng đôi.
Từ ngày có anh rể, ba tôi không còn vất vả khi sửa mái nhà, sửa máy bơm hay nâng cấp nhà bếp. Tuy ở riêng nhưng mỗi khi gia đình có việc anh rể đều có mặt phụ giúp ba tôi. Những lúc vào vụ mùa, thấy ba tôi thuê người anh rể can ngăn: “Thôi để con làm”. Sau giờ dạy, anh vác cuốc ra đồng làm cỏ, bón phân cho lúa hay vác những bao lúa nặng trịch sau vụ mùa. Dần dần, cái tên “Thằng Tư” quen thuộc với gia đình tôi đến nỗi mỗi khi có tin vui hay buồn ba đều gọi điện báo cho anh biết trước.
Có lần, chị tôi bị ngất xỉu vì mệt sau khi sinh đứa con trai thứ hai. Mẹ tôi nghĩ chắc do mới sinh nên sức khỏe chị chưa hồi phục. Đến khi xét nghiệm, gia đình tôi mới tá hỏa vì chị bị suy tim. Mẹ tôi khóc thầm, đốt nhang khấn vái. Còn anh rể không nói một lời bỏ nhà ra đi. Bà con hàng xóm kháo nhau: “Chắc thằng đó thấy con Tư bệnh bỏ đi rồi”. Vài ngày sau, anh trở về nhà yêu cầu chuyển chị tôi lên Viện Tim để điều trị. Hóa ra, những ngày qua, anh đã lên Sài Gòn tìm hiểu nơi mổ tim tốt nhất. Bấy giờ, chi phí mổ tim lên đến cả 100 triệu trong khi đồng lương giáo viên của anh chỉ đủ sống. Thấy mẹ tôi phân vân, anh cười nói: “Còn người, còn của”.
Anh bán mấy công đất vốn là của thừa kế cha mẹ anh để lại, đưa chị tôi lên Sài Gòn điều trị. Trước ngày mổ, anh còn vận động những người quen trong cơ quan cùng hiến máu cho chị. Những lần vào bệnh viện, tôi thoáng nghe những người cùng phòng nhỏ to: “Cái thằng thiệt thương vợ”. Ngày chị tôi vào phòng mổ, anh ngồi ở góc cây trong bệnh viện lo lắng, chờ đợi. Suốt 10 tiếng trôi qua, anh không hề ăn uống, phần cơm mà mẹ tôi mua cho anh vẫn còn nguyên.
Từ ngày chị tôi mang bệnh, mọi chuyện trong gia đình từ nấu cơm, giặt quần áo, chăm sóc con… anh đều đảm nhận. Nhưng chẳng bao giờ tôi thấy anh than van, cau có. Những lúc tới lui đưa chị tôi lên Sài Gòn tái khám, anh thường nói: “Mai mốt thằng Bảo, thằng Phúc làm bác sĩ em chỉ cần nằm nhà, các con sẽ trị bệnh cho em”.
Nhờ sự chăm sóc của anh mà chị tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh. Hai đứa cháu đang theo học cấp hai và luôn là học giỏi của trường. Giờ đây, mỗi khi tết đến hay họp mặt gia đình, không thấy anh rể, cô tôi thường hỏi: “Thằng Tư đâu, sao tao không thấy nó”?