Tuổi thơ nơi làng quê có biết bao nhiêu trò vui gắn với những món ăn dân dã. Từ nướng con cá bắt được dưới mương đến thui lông chú chim sẻ béo núc. Nhưng có lẽ vui nhất là những mùa gặt, được đuổi theo những đàn châu chấu căng bụng trứng để đem về góp thêm một món ngon cho bữa cơm ngày mùa.
Giờ đi qua các chợ thấy nhiều hàng bán châu chấu, chẳng rõ họ đánh bắt bằng cách nào nhưng nhớ lại ngày bé bắt châu chấu mới thú vị. Nghe đám cháu rủ nhau đi bắt châu chấu, bà tôi lụi hụi lấy tre đan thành mấy chiếc vỉ như người ta đan vỉ đập ruồi, phát cho mỗi đứa một cái. Có “vũ khí” trong tay, bên hông đeo thêm chiếc giỏ nan để đựng châu chấu, chúng tôi chạy ùa ra đồng. Vào mùa gặt, châu chấu béo núc, con nào bụng cũng mọng trứng. Chúng nhiều tới mức lũ chim bắt không xuể. Bắt châu chấu là một nghệ thuật, không phải cứ hùng hục là được. Khi phát hiện thấy chú nào thì lập tức chân bước khẽ, nít thở, dùng vợt đập nhẹ để châu chấu vừa đủ choáng ngã lăn ra và cứ thế nhặt cho vào giỏ.
Để sơ chế châu chấu làm món ăn có nhiều cách. Người miền núi thường đun với nước măng chua còn dưới đồng bằng lại đun qua với nước dưa chua để mình châu chấu mềm và hết mùi hăng, ngái. Sau khi đun qua lần nước dưa chua, bà tôi vớt châu chấu ra chiếc rổ tre để ráo nước rồi bỏ vào chảo mỡ chiên cho đến khi vàng rộm, nêm thêm chút gia vị cho đậm đà. Sau này đi nhiều nơi, tôi được biết có một vài cách chiên khác như chiên châu chấu với lá chanh, măng chua…
Mỗi khi bưng bát cơm thơm ngày mùa lên tay, gắp thêm con châu chấu béo ngậy nhai chầm chậm trong miệng, húp thêm muỗng canh cua đồng ta như cảm nhận được hết hương vị của làng quê. Đó là mùi thơm của đồng lúa chín, vị ngọt của những cọng cỏ thanh sạch và cả vị ấm của cái nắng ngày mùa. Cái vị đó đặc biệt quá khiến người ta lớn lên đi khắp muôn nơi, nếm đủ món ngon vật lạ nhưng vẫn mãi nhớ về những món ăn bình dị quê nhà.