Quan trọng là ta có nhận thấy và nắm bắt được hay không hoặc là ta thản nhiên bỏ qua nó, dù vô tình hoặc cố ý, bởi đời sống này vốn đã bộn bề trăm điều. "Chuyện ấy không phải việc của mình, đã có người khác lo. Chưa chắc người ta đã khen mà có khi mình còn bị chê bai làm chuyện bao đồng" - nhiều người chia sẻ như vậy và thường có xu hướng ngả theo chiều tiêu cực để không làm những việc nào đó…
Cơn mưa rào trưa hôm ấy đã để lại trên mặt đường một vũng nước khá lớn, chiếm đến phân nửa mặt đường. Xe cộ lại tràn xuống đường, phóng ào ào, cuốn theo nhịp sống hối hả. Không ai bảo ai, nhiều người điều khiển xe sang hẳn bên kia đường để tránh vũng nước nhưng thỉnh thoảng có xe chạy thẳng vào giữa, làm nước bắn văng lên tung tóe... Lúc đó, tôi ngồi chờ vá xe trên vỉa hè và lặng lẽ quan sát những gì diễn ra trước mắt.
Một người đàn ông đi xe đạp cũng nối theo đoàn xe đang đến. Thế nhưng, khác với mọi người, anh chậm rãi xuống xe, nhặt lấy cành cây khô và ngồi xuống, vạch mấy đường thẳng từ vũng nước đến miệng hố ga cách đó chừng 1 m. Thế rồi, như một đứa trẻ nghịch ngợm, anh cứ đều đều đưa cành cây kéo nước đọng trên mặt đường để nước chảy xuống cống qua hố ga. Khi vũng nước không còn nữa, anh đứng lên tiếp tục đạp xe đi. Một người lặng lẽ như anh lại có một việc làm hết sức ý nghĩa. Đó chỉ là một cử chỉ thầm lặng nhưng có tác động không nhỏ đến cộng đồng...
Điều ấy thật khác xa với thực tại hiện nay trong xã hội. Nhiều người trong chúng ta, tất nhiên trong đó có cả tôi, làm bất cứ việc gì đều muốn người khác biết đến, thậm chí còn rêu rao lớn tiếng hoặc kêu gọi người này người kia đến chứng kiến. Còn với anh, thật xứng đáng được đánh giá là "dũng cảm" khi đã chẳng ngại ngùng trước dư luận xã hội, bởi có thể có ai đó gọi anh là "gã khùng" làm chuyện "ruồi bu".
Lúc này, tôi nhớ chúng tôi đã được dạy từ thuở nhỏ rằng muốn việc làm của mình cho tha nhân thật sự có ý nghĩa và có giá trị, phải làm với tinh thần "tay trái không được biết việc tay phải làm". Có một câu chuyện rất cũ khiến tôi nhớ mãi. Ngày xưa, một ông vua nọ sai quân lính đặt tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi và nấp vào bụi cây gần đấy để theo dõi. Ông thấy nhiều người lần lượt bước qua, trong đó có những kẻ giàu có và cả các cận thần của ông, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang một bên để lấy lối đi. Thay vào đó, họ chỉ lẩm bẩm đổ lỗi cho nhà vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường. Một lúc sau, một người nông dân đi tới với một chiếc xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Ông ta ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức đẩy tảng đá vào vệ đường. Vừa làm ông ta vừa nói với tảng đá: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây!”.
Câu chuyện khá phù hợp với câu danh ngôn sau mà có lẽ không mấy ai trong chúng ta chưa biết đến: "Thà thắp lên một ngọn lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối".