Tại buổi ra mắt tiểu thuyết "10 ngày trên biển" chiều 6-12 tại Hà Nội, Thuỷ Hướng Dương tâm sự cuốn tiểu thuyết dựa trên một câu chuyện có thật mà tác giả đã canh cánh bấy lâu nay, khi lời hứa viết về biển đảo vẫn luôn theo sát như một mối nợ mà nếu không thực hiện được thì có lẽ, cuộc đời Thủy khó có thể… an yên.
Chính vì thế, khi có người bạn tri kỷ "thúc giục", Thủy đã "cấm túc" tại một nơi vắng vẻ, không liên lạc với ai, chị liên tục làm việc trong 3 tháng để viết ra cuốn "10 ngày trên biển", để tạo ra "một sản phẩm nghiêm túc" trong thời buổi sách Việt ít giá trị với người đọc.
Thuỷ Hướng Dương và những người lính đảo Trường Sa (trái) trong buổi ra mắt sách chiều 6-12
Tác giả khá tế nhị và khiêm tốn khi viết đây là "sản phẩm" nghiêm túc chứ chị không dùng ‘tác phẩm nghiêm túc’, hoàn toàn đồng ý với Thủy, hãy để độc giả toàn quyền đánh giá về cuốn sách này.
Chọn cái tên khá chân phương: "10 ngày trên biển", Thuỷ giải thích đây là con số 10 ngày lênh đênh trên biển từ cảng Cát Lái đi qua các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa và trở về. 10 ngày với một hành trình mà "ai cũng mong ước" được tới một lần trong đời, một chuyến đi không dễ dàng và không phải ai cũng có cơ duyên để làm điều đó. 10 ngày ấy trải qua những trải nghiệm, câu chuyện, tình huống xuất hiện quanh nhân vật tôi – nhà báo Bạch Dương nổi tiếng và khá quyến rũ trên chuyến tàu 900 – chuyến tàu đưa đoàn người tới quần đảo Trường Sa trước khi nó được xếp vào bảo tàng bởi đã quá tuổi về hưu. Chính vì đi trên chuyến tàu đặc biệt vậy nên chuyến đi này cũng thực sự là một chuyến đi đặc biệt với nhiều trải nghiệm ấn tượng.
Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân
Không giáo điều và nghiêm ngặt, ngay từ đầu, tác giả đã xây dựng những nhân vật rất đời thường, mang tính cách khá điển hình. Một Bình, người chồng trong quân ngũ luôn phải che giấu bản thân, "nhún mình", và "biết thế nào là có lợi", chấp nhận sự "hèn kém" của mình để giữ thanh danh và không dám biểu lộ tình yêu với người vợ mới của mình. Có thể đó là sự tiết chế của những con người đã từng trải, sống lâu trong những vỏ bọc nên họ cho dù rất giận dữ bất bình nhưng vẫn cố kìm chế vì sự nghiệp của mình.
Đoàn cùng đi Trường Sa có những cô nhà báo, có cả doanh nhân, hiệu trưởng… Dân báo, đa phần là những cô nhà báo năng nổ, và có quyền lực mềm, ngay như Bạch Dương, mang tính cách khá kiêu kỳ dù bên trong là sự nổi loạn ngầm. Cô được mô tả là một người đàn bà "biết điều" luôn hiểu vì sao đàn ông thích mình nhưng lại ngơ ngác, bình tĩnh hưởng thụ những sự ve vãn cũng như ghen tuông của ái tình ngay trên chuyến tàu… "nghiêm túc" ấy. Đôi khi, Dương như một kẻ lạc lõng trong chuyến đi và cô đóng vai người quan sát thông minh.
10 ngày qua những hòn đảo, tất cả những điều vụn vặt nhỏ nhoi của con người đã bị xóa mờ bởi cảm xúc mạnh mẽ khi được đặt chân tới những hòn đảo – biểu tượng của ý chí, lòng hy sinh và yêu thương vô bờ bến. Anh linh của 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma cũng được nhắc tới trong cuốn sách này một cách trân trọng.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
Có mặt tại buổi ra mắt sách, đạo diễn Trần Văn Thủy xúc động và cảm ơn những người lính đảo. Ông đánh giá cao Thủy Hướng Dương với giọng văn riêng và nhân văn. Trong khi đó, Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, nhận xét Thủy Hướng Dương tinh quái, ghê gớm nhưng giỏi. Thủy năng động và hướng thiện, nên cứ đi theo hướng này thì độc giả sẽ luôn nhớ đến chị.
Thủy Hướng Dương là nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X, sinh tại Nam Định, là cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).
Chị là nhà báo, đến với nghề văn muộn. Tuy vậy, chị được nhiều độc giả biết đến khi chấp bút cuốn hồi ký "Chúng tôi và Mig 17" của anh hùng Lưu Huy Chao (2009). Sau cuốn này, Thủy Hướng Dương được các phi công gọi trìu mến là "Con gái của Không quân Việt Nam".
"10 ngày trên biển" là cuốn sách thứ 5 của Thủy Hướng Dương, do nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.