Là một người hảo ngọt, tôi rất thích ăn bánh, đặc biệt là các loại bánh quê như bánh nếp, bánh ram, bánh đậu, bánh sắn… Hôm rồi trên đường đi chợ, thấy bên đường có bày bán rổ bánh sắn, tôi mừng húm mua luôn mấy chục cái bỏ ngăn đá, hấp ăn dần.
Được chế biến từ nguyên liệu chính là bột sắn, bánh sắn mang một hương vị ngon ngọt, dẻo thơm đặc biệt, là món quà mà tụi con nít quê mỗi lần được thưởng chỉ dám ăn nhin nhín vì sợ hết.
Điều lạ đời là ở quê tôi ngày xưa, mặc dù nhà nào cũng trồng rất nhiều sắn, thế nhưng món bánh sắn lại chẳng hề là món ăn thông dụng. Món thông dụng là sắn luộc, sắn hấp chung với khoai và hột mít, là sắn xắt lát ngâm nước hai ba hôm rồi đổ ra để ráo, hấp gá vào với cơm. Có lẽ do làm bánh sắn mất công, lại cần nhiều nguyên liệu phụ trợ, nên những bà mẹ đành "lỗi hẹn". Chỉ hôm nào việc đồng áng, mùa vụ được thu xếp tươm tất thì mẹ mới chiều đàn con, soạn sửa mài sắn. Đồ nghề dùng để mài sắn khá thô sơ, nhưng tiện dụng. Đó là một tấm tôn có đục lỗ nhỏ. Mẹ khéo léo dùng sức để tì củ sắn trắng bóc đã được cạo sạch vỏ miết vào mặt tôn, những vụn sắn li ti chảy xuống một cái thau đặt bên dưới.
Khác với mùi sắn ủ, sắn ngâm lúc nào cũng vương vẩn chua lòm xung quanh giếng nước, sắn sau khi được mài mịn có mùi thơm tươi mới rất dễ chịu. Để lấy phần xác sắn làm bánh, mẹ sẽ vắt bớt phần bột mịn, để dành vào một cái thau, loại bột mịn này có thể nhào cho dẻo rồi thái sợi nấu cháo, hoặc làm món bánh lọc cũng tuyệt ngon.
Bánh sắn
"Món bánh sắn quả là một đại công trình" - thằng Út nhanh nhảu phán khi chứng kiến mẹ vừa mài bột sắn xong lại tất bật vào bếp hạ lửa, chuẩn bị trộn nhân bánh. Chỉ cần một thìa muối, vài thìa đường trộn đều vào mẻ đậu đỏ đã được hầm nhừ, là có hỗn hợp nhân bánh thơm ngon. Để giúp mẹ rút ngắn thời gian, chúng tôi được phân công đảm nhiệm khâu chuẩn bị vỏ bánh từ trước. Đó là những tấm lá chuối xé nhỏ tầm hai tấc, được lau sạch và trụng qua nước sôi cho mềm mại.
Mẹ sẽ múc phần xác sắn đã được trộn qua với một ít đường vào lá, phết nhân vào rồi gói lại như gói bánh ít, bánh gai. Mẹ cứ làm thoăn thoắt, gọn gàng như một nghệ nhân. Khi mẻ bột vơi đi, cũng là lúc rổ bánh đầy lên một màu xanh mơn mởn. Vậy là chỉ cần chờ thêm một lúc nữa, bánh sẽ được hấp chín, chị em tôi sẽ tưng bừng "phá cỗ". Háo hức, hồi hộp và chờ mong. Thế nhưng khác với nhiều món ăn nóng mới ngon, mẹ bảo bánh sắn phải để nguội. Bởi chỉ lúc này những thớ bột mới dễ dàng tách ra khỏi lớp lá chuối, nguyên hình vẹn dáng trên tay.
Đúng là con nhà nghèo. Chỉ với món bánh sắn mà mấy chị em tưởng như cao lương mỹ vị, mỗi đứa sáng tạo ra một cách nhấm nháp riêng. Thằng Út cắn phần rìa bột ăn trước, dành phần có nhân lại. Nó bảo vì phần nhân bao giờ cũng ngọt đậm hơn nên miếng ngon phải chừa cuối. Cái Bông thì tra khọm như cụ cố, nó ăn một miếng bánh thì uống một ngụm nước chè rồi đủng đỉnh khà khà như cách cha ngồi nhậu. Còn tôi, trước khi ăn phải cẩn thận bóc từng mảnh lá, hít thật đã, thật căng lồng ngực mùi thơm của bột sắn quyện với mùi lá chuối được hấp chín. Phải nói thế nào nhỉ, mấy món bánh ở quê thì đa phần loại nào cũng được bọc lá chuối như bánh gai, bánh tét, bánh tày, bánh chưng...
Nhưng với tôi, chả có loại bánh nào mang đến thứ hương thơm đặc biệt như bánh sắn. Có lẽ do phần "nội dung" của các loại bánh kia đều là gạo nếp hoặc gạo tẻ nên không thể cộng hưởng với lá chuối để cho ra mùi thơm ngọt mịn dễ chịu như bánh sắn.
Sáng ăn sắn luộc, trưa sắn hấp, tối lại cơm độn sắn. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến những món ăn liên quan đến sắn, nhiều người lớn tuổi vẫn bất giác rùng mình vì một thời chúng là thứ lương thực cứu đói ở nhiều vùng miền. Thế nhưng với chúng tôi, những đứa trẻ được sinh ra vào những năm đầu thập niên 90, thì củ sắn vẫn là những tặng vật rất thơm ngon và quý giá, bởi nhờ chúng mà bọn tôi được thưởng thức món bánh tuổi thơ rất đỗi ngọt ngào.