Cách đối xử của chị với nhà chồng thay đổi hẳn sau một lần về quê. Trước đây, chị chu toàn mọi chuyện, đều đặn gọi điện hỏi thăm, mua quà gửi biếu ba mẹ chồng.
Nhưng sau lần đó, có khi mấy tháng trời chị không về bên nội. Nếu có, chị cũng hờ hững, không mua sắm gì, chỉ đi tay không. Anh gặng hỏi thì chị trả lời: "Anh vẫn chăm lo đủ đầy cho ông bà mà".
Chị không muốn nhắc đến câu chuyện khiến lòng chị vụn vỡ. Ngày lấy chồng, chị tự nhủ sẽ làm tốt vai trò của một cô con dâu, yêu thương nhà chồng. Bao nhiêu năm qua, chị xem phận sự lo toan cho cha mẹ hai bên là của mình. Hai bên nội và ngoại, mua quà hay biếu tiền đều công khai cho chồng. Chị không để tâm lắm đến thái độ của anh đối với nhà ngoại.
Khi ba chị bị bệnh, anh chỉ gọi điện hỏi thăm rồi thôi, chị cũng chẳng trách móc. Suốt 7 năm làm rể, chưa khi nào anh mua cho ông bà ngoại một hộp sữa hay lọ thuốc bổ. Chị nghĩ, do tính cách anh khô khan, đến ba mẹ anh, anh cũng ít khi quan tâm, cứ phó mặc cho vợ. Nhưng chị đã nhầm…
Cách đây nửa năm, anh chị về quê giỗ bà nội. Khi ba chồng đang lúi húi cột bao gạo lên xe để vợ chồng chị về thành phố thì sợi dây cột bị đứt. Chị vội vã chạy ra sau bếp tìm sợi khác, bước chân chị khựng lại ở cửa bếp.
Tiếng chồng chị thì thầm: "Mẹ cất tiền đi. Lạng yến con đem về tháng trước đã ăn hết chưa?". Mẹ chồng đáp lời: "Mới ăn được một nửa, nhớ đám cưới cái Huyền phải tặng sợi dây chuyền ba chỉ nghe".
Chồng chị nói: "Con chuẩn bị rồi, nhưng trước mặt vợ con, mẹ cứ bảo chỉ phải mừng phong bì 500 ngàn thôi". Nghe đến đó, cổ họng chị chợt nghẹn đắng, rơm rớm nước mắt.
Nhớ lại tối hôm trước, chị đang băn khoăn chuyện quà cưới cho cháu gái bên chồng nên hỏi: "Hay mình gắng mua chỉ vàng làm của hồi môn cho cháu?". Anh xua tay: "Tiền đâu mà sắm vàng, cứ đưa 500 ngàn là xong".
Câu chuyện chị vô tình nghe được giữa chồng và mẹ khiến tim chị như thắt lại (Ảnh minh họa)
Những lời nói thì thào của anh với mẹ chồng như mũi kim đâm vào tim chị. Mất khoảng vài phút, chị mới đủ bình tĩnh quay bước ra sân. Lúc ấy gặp bố chồng đi vào, chị lảng ra, giấu những giọt nước mắt.
Từ đó, chị bắt đầu xâu chuỗi lại nhiều việc xảy ra trước đó. Rõ ràng, ba mẹ chồng và anh chưa bao giờ xem chị là người trong nhà. Chuyện gì cũng bàn thảo khi không có mặt chị.
Nhà ngoại có việc gì, anh đều lấy cớ bận việc không tham gia. Còn nhà nội, dù bận đến đâu, anh vẫn sắp xếp được. Đôi lần, chị nghe anh kể chuyện gia đình người nọ người kia, nói bóng gió "ba mẹ ai, người nấy thương" nhưng không để tâm.
Chị vừa mất niềm tin, vừa hụt hẫng, có cái gì đó xáo trộn rất khó chịu. Chị nhớ đợt tết vừa rồi, vợ chồng thống nhất tặng ông bà hai bên mỗi người một triệu đồng.
Khi chị đưa phong bì lì xì ba chồng, ông xua tay không lấy còn bảo: "Ba có đây rồi, tiền đâu mà chồng đưa rồi, vợ còn đưa thêm". Chị có chút gợn trong lòng nhưng anh vội nói lấp liếm, do ba già trí nhớ kém nên nói năng nhầm lẫn.
Nhiều lúc, chị trách anh vô tâm với gia đình, chị phải gắng sức để bù đắp thêm. Mặc dù không giàu có nhưng chị không tiếc gì với nhà chồng. Ba mẹ chồng cần gì chị cố gắng đáp ứng trong khả năng một cách vô tư, lúc ốm đau cũng sẵn sàng nghỉ việc để chăm sóc.
Chị cảm thấy vừa mất niềm tin, vừa hụt hẫng trong lòng, có cái gì đó xáo trộn rất khó chịu khi phát hiện chồng chỉ nghiêng về bên nội. (Ảnh minh họa)
Chị không biết rằng, sự khác lạ của chị không qua được mắt ba chồng. Hôm đám giỗ và đứt sợi dây cột hàng, thấy chị khóc, ông đã phần nào đoán được nguyên nhân. Không biết ông đã nói gì với anh nhưng gần đây chị nhận thấy sự thay đổi.
Ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, chị bận trực nên chồng đưa các con về quê. Anh đem theo một lạng yến sào, nói rằng dành biếu ông bà ngoại tẩm bổ, lấy sức chống dịch. Lần đầu tiên từ ngày cưới, chị thấy anh chủ động mua quà cho ba mẹ vợ.
Chừng đó chưa đủ để xóa bỏ nỗi buồn đè nặng, nhưng chị thấy lòng mình dịu lại. Chị chẳng cần anh phải làm gì nhiều, chỉ mong anh cân bằng chữ hiếu giữa hai bên nội và ngoại như chị.