Để kịp đón bình minh trên Biển Hồ (Campuchia), chúng tôi rời khách sạn từ sáng sớm, đi ô tô khoảng 12 km từ trung tâm cố đô Siem Riep đến bến phà. Từ bến phà, đoàn đi thuyền mất 30 phút mới đến ngôi làng người Việt trên biển Hồ. Nơi đây tập trung khoảng 200 hộ dân sinh sống, chiếm gần 10% số hộ dân sống rải rác ở Biển Hồ.
Chùa nổi của người Việt trên Biển Hồ
Ngay từ xa, ngôi chùa nổi 2 tầng sơn vàng óng ánh trong ánh mặt trời vừa ló dạng. Nó như một điểm nhấn tươi sáng giữa khung cảnh buồn bã, ảm đạm của những mái nhà nổi xám xịt xung quanh. Dù là chùa nổi nhưng nơi đây trồng khá nhiều cây phủ xanh mái chùa hiền hòa.
Nhiều phụ nữ chở con về chùa nhận quà
“Vào những ngày rằm, người dân thường tập trung về chùa thả hoa đăng. Cả một khúc sông lung linh, rực rỡ ánh đèn. Khung cảnh huyền diệu khiến mọi người dường như quên cả nỗi nhọc nhằn và bế tắc thường ngày. Lúc ấy, mọi người tập trung về chùa làm lễ rất đông, phải thuê thêm 1 nhà nổi ghép vào mới đủ sức chứa” - Nguyễn Văn Chí (22 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) kể.
Những đứa trẻ da cháy nắng, thiếu ăn, thiếu mặc ở Biển Hồ
Chí là con trai thứ 2 trong gia đình có 7 người con, từ nhỏ đã sống trên Biển Hồ. Cuộc sống nghèo khổ khiến Chí thất học, không quốc tịch và cả giấy tờ tùy thân. Chàng trai 22 tuổi này không biết đọc, biết viết, ngày ngày dẫn đoàn khách Việt Nam đến Campuchia du lịch để kiếm sống qua ngày.
Đời sống bấp bênh, ngôi chùa là điểm tựa tâm linh cho cộng đồng người Việt trên Biển Hồ
So với nhiều người ở Biển Hồ, Chí khá may mắn vì tìm được công việc có đồng ra đồng vào. Hầu hết người Việt ở Biển Hồ sống lay lắt không điện, không nước sạch. Dọ không có giấy tờ tùy thân nên họ không thể làm được hộ chiếu để về thăm quê. Mù chữ, thất học nên những đứa trẻ trên Biển Hồ cứ thế sinh ra theo cấp số nhân như nối dài tương lai túng thiếu, mờ mịt của cha mẹ. Để mưu sinh, nhiều phụ nữ đã nuốt đi nỗi tủi nhục đưa con nhỏ đeo bám các đoàn du khách để cầu xin sự thương cảm của họ.
Khoảng 3 năm trước, chùa nổi Biển Hồ được xây dựng nhờ vào sự hỗ trợ của một nhà sư ở Việt Nam. Ngôi chùa trở thành điểm tựa tâm linh của người dân Việt tha hương, giúp họ phần nào vơi đi nỗi buồn, sự bế tắc và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á
Tonlé Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Campuchia. Năm 1997, UNESCO công nhận nơi đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
Trên Biển Hồ hiện có trên 1.500 hộ dân gốc Việt đang sinh sống. Hầu hết nguyên quán thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang... Đời ông, cha theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con, đẻ cái sống lay lắt đến nay.