Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất là em bé sinh ra khỏe mạnh, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, người mẹ trải qua một quá trình mang thai đầy gian lao.
Chuyện những em bé sinh năm Nhâm Dần
Tối muộn, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TPHCM chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo đón em bé chào đời an toàn. Anh Trương Văn Đường (36 tuổi, ở tỉnh Nghệ An) nắm chặt tay vợ là sản phụ Trương Thị Nguyễn để động viên. Mặc dù đây là lần sinh con thứ hai nhưng chị Nguyễn không khỏi hồi hộp, lo lắng vì trở dạ trước một tuần so với ngày bác sĩ dự sinh. Tuy vợ chồng đã có một bé gái xinh xắn, anh Đường cũng không quan trọng việc bé thứ hai là trai hay gái. Anh chỉ cần vợ vượt cạn bình yên, con chào đời khỏe mạnh.
"Với tôi, có thêm con, gia đình sẽ càng vui hơn. Quan niệm "trai Nhâm, gái Quý" (trai sinh năm Nhâm, gái sinh năm Quý mới có cuộc sống tốt đẹp, thành công) lạc hậu lắm. Bác sĩ cũng đã báo tin, vợ tôi đã sinh con gái an toàn. Thế là tôi có hai bé gái đáng yêu, đó là hạnh phúc. Ai nói gì thì nói, tôi chỉ biết tôi đang rất vui mừng. Niềm vui ở ngay bên cạnh, sao không tận hưởng mà lại lo lắng về việc chưa xảy ra. Và càng sai lầm hơn nếu bản thân cứ nghĩ đến điều tiêu cực rồi mệt mỏi, nặng nề cho gia đình, rất tội cho con", anh Đường nói. Vào thăm vợ, nhìn con, ánh mắt anh dâng lên niềm xúc động. Anh hỏi vợ có đau lắm không, rồi thủ thỉ: "Trộm vía, con rất lanh lợi, cứ nhìn xung quanh. Em giỏi lắm!".
Anh Trương Văn Đường vui mừng khi vợ, con an toàn sau hành trình vượt cạn - Ảnh: Phạm An
Cũng như anh Đường, vào phòng hậu sản để nhìn cháu ngoại, bà Nguyễn Thị Vân (ở tỉnh Hải Dương) mừng rỡ vừa cưng nựng cháu gái mới chào đời vừa liên tục cảm ơn các bác sĩ. Bà Vân vui sướng lắm, bởi lần sinh con thứ ba của con bà - chị Nguyễn Thị An (37 tuổi) đã trải qua cơn thập tử nhất sinh vì dương tính với SARS-CoV-2. Bà Vân kể, hai bé trước, chị An sinh con rất thuận lợi. Tuy nhiên, ở lần mang thai này, dịch bệnh bùng phát tại TPHCM, trong số bệnh nhân diễn tiến nặng có chị An.
Bà Vân nhớ lại: "Lúc cao điểm của dịch COVID-19, con gái tôi mang thai tháng thứ bảy thì trở thành F0, bệnh diễn tiến nặng phải thở máy, đã có lúc gia đình phải tính từng giờ từng phút, luôn hỏi bác sĩ có giữ được em bé không, các bác sĩ chỉ nói sẽ cố hết sức. May mắn, sau những nỗ lực không ngừng của bác sĩ, con gái tôi vượt qua được khó khăn, có kết quả xét nghiệm âm tính, hồi phục sức khỏe thần kỳ và được xuất viện về nhà". Theo bà Vân, chị An được dự sinh vào ngày 6/2 (nhằm mùng Sáu tết), tuy nhiên đến trưa 29 tết thì đau bụng, có dấu hiệu trở dạ nên gia đình đưa vào bệnh viện. Không ngờ, cháu gái bà được sinh ngay vào thời khắc chuyển giao năm Nhâm Dần 2022.
Trước quan niệm của một số ít người ngại sinh con gái năm Dần vì cho rằng lớn lên sẽ trắc trở tình duyên, bà Vân nói chỉ cần cháu ngoại được sinh ra an toàn, vẹn tròn, con gái bà khỏe mạnh đó là một món quà vô giá. Lúc ở phòng chờ con gái sinh, bà rất lo lắng bởi trải qua dịch bệnh vừa rồi không biết con và cháu bà có bị ảnh hưởng gì không. Hơn nữa, chị An đã phải dùng rất nhiều thuốc để điều trị bệnh. "Tôi không ngại việc người ngoài nói cháu gái bà sinh năm gì. Ngược lại, bé gái cất tiếng khóc chào đời mang đến nhiều ý nghĩa, may mắn cho gia đình. Tôi tin cháu tôi đã vượt qua được COVID-19 sẽ là một bé gái kiên cường, bản lĩnh", bà Vân chia sẻ.
Đừng vì sợ năm Dần mà bỏ đi một sinh mệnh
Theo bà Vân, cuộc sống tốt đẹp hay không là do bản thân mỗi người phấn đấu, học hỏi và vươn lên chứ không phải được sinh ra vào năm nào. Bà tôn trọng tín ngưỡng tâm linh, nhưng cũng nên có chọn lọc. Tức là những gì ông bà ta để lại nhằm giúp con cháu hướng về điều tốt đẹp, sự yêu thương và học tập theo người tài giỏi, chứ không quá lo ngại về cuộc sống trong tương lai. Bà cười: "Điển hình tôi sinh năm Tuất, ban đầu mọi người nói con gái sinh năm này khổ lắm, nhưng trước khi về hưu tôi là bác sĩ, sống và làm việc ở nước ngoài rất thành đạt, vui vẻ. Bây giờ, niềm vui lớn nhất của tôi là có gia đình hạnh phúc, con tôi vượt qua được dịch COVID-19, ba cháu của tôi, đứa cháu nào cũng xinh tươi, kháu khỉnh…".
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, cho biết quan điểm cho rằng con gái sinh năm Nhâm Dần lớn lên trắc trở đường tình duyên, có cuộc sống khó khăn hay ít thành công là quan niệm rất lạc hậu. "Nếu chỉ dựa vào em bé sinh năm nào để phán xét về một đời người thì rất quá đáng", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, ngày nay, chúng ta đã không phân biệt trong việc sinh con trai hay gái. Ở các bệnh viện cũng đã bỏ qua việc lựa chọn giới tính thai nhi vậy tại sao lại chọn lựa năm sinh cho con mình. Ông cho hay: "Điều đáng mừng là xã hội nhận thức rất rõ ràng về sức khỏe sinh sản, các cặp vợ chồng cũng có thể chủ động trong kế hoạch sinh con, rất ít người vì năm sinh lại quyết định bỏ đi con của mình. Trong ngành y càng không để việc này xảy ra. Thế nên tôi cho rằng trong năm Nhâm Dần 2022, số lượng em bé ra đời sẽ không giảm nhiều".
Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Quang Thanh dẫn chứng, nhìn bao quát ở người nổi tiếng, người thành đạt trong xã hội cũng mang tuổi Dần. Tại Bệnh viện Từ Dũ cũng vậy, không ít nữ điều dưỡng, bác sĩ tuổi Dần rất thành công. "Chính vì vậy, dù là nam hay nữ, tuổi Dần hay bất kỳ tuổi nào, ai cũng có thể có cuộc sống tốt đẹp nếu như biết phấn đấu và không ngừng tiến lên. Do đó, đừng căn cứ vào năm sinh hay chuyện tâm linh mà vội vàng định đoạt số phận của một con người", vị bác sĩ nhấn mạnh.
Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM nhắn nhủ những thai phụ trót mang thai năm Nhâm Dần vì vỡ kế hoạch cũng không nên vội vã chấm dứt thai kỳ chỉ vì năm sinh của con mình. Bất cứ bệnh viện, phòng khám nào cũng sẽ không thực hiện chấm dứt thai kỳ khi không có lý do chính đáng.
Bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kỳ nếu thai bị bệnh lý, thai mang dị tật hay bà mẹ không đủ sức khỏe mang thai… bởi một lần kết thúc thai kỳ, người phụ nữ có thể rơi vào biến chứng hoặc di chứng và một trong những nguy cơ đáng lo ngại là có khả năng sẽ không thể mang thai được nữa. Biến chứng càng có nguy cơ xảy ra cao hơn khi thai phụ tự ý phá thai bằng các phương pháp dân gian truyền miệng, gây ảnh hưởng lớn đến tương lai của bản thân và hạnh phúc gia đình.
"Tất cả mọi người đều đã trải qua một năm 2021 tàn khốc bởi dịch COVID-19. Đến hôm nay, chúng ta càng cảm nhận rõ rệt sự sống rất quý giá. Một người phụ nữ mang thai thành công rất đáng trân trọng sau khi chúng ta chứng kiến, trải qua nỗi đau những thai phụ, em bé đã mất vì dịch bệnh. Chính vì vậy, ở thời điểm này, khi em bé cất tiếng khóc trong phòng sinh sẽ mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn", bác sĩ Lê Quang Thanh chia sẻ.
Những đứa trẻ ra đời sau biến cố càng thấy sự quý giá của cuộc sống
Lúc này, khi các hoạt động trở lại bình thường, ánh mắt vui mừng của ông bố, bà mẹ hân hoan chào đón con mình ra đời sau biến cố, càng thấy sự quý giá của cuộc sống, qua một giai đoạn mong manh. Hầu hết những cặp vợ chồng ở giai đoạn này đều đã trải qua quá trình mang thai cực kỳ khó khăn.
Để đón được các bé chào đời thì thai phụ phải trải qua giai đoạn mang thai chín tháng mười ngày. Đồng nghĩa với việc ít nhất các gia đình phải mất khoảng năm tháng đối diện với dịch COVID-19, trong đó có giai đoạn thai phụ chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng dịch, khả năng nhiễm bệnh và rơi vào nguy hiểm rất cao. Nên khi thai phụ chuyển dạ, ít ai quan tâm đến việc con mình sinh lúc mấy giờ, năm nào, mà tất cả đều chờ đợi khoảnh khắc em bé cất tiếng khóc chào đời, mẹ con đều bình an.
Đó là món quà lớn mà cuộc sống ban tặng. Em bé chào đời là một sự may mắn, phúc đức. Mầm sống, tương lai mới cũng đang bắt đầu từ đây. Chính vì vậy, năm Nhâm Dần, bé trai hay bé gái chào đời cũng mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM