Tất nhiên, bây giờ cái vó chỉ còn trong ký ức của nhiều người già cả, nhưng dù sao đó cũng là sự thay đổi phù hợp với cuộc sống.
Cất vó được cho là hình thức bắt cá khá nhàn hạ của vùng sông nước
Giống hình chiếc nón lá để ngửa vó là một tấm lưới rộng được thắt chặt vào các thanh tre chéo nhau dân gian gọi là càng vó, có một sợi dây cột ở trọng tâm để kéo lên mà xúc cá. Để khi nước chảy lưới sẽ bung ra tạo thành một khoảng rộng để cá tép, tôm cua chạy vào. Đây là cách đánh bắt rất độc đáo, có nhiều tiện lợi vào mùa nước dâng cao.
Vó xưa đẹp lắm
Người ta dựng một cái cầu ra sông, phía trên là một túp lều cao lợp rơm hoặc lá cọ. Túp lều này đủ cho ba người ngồi hóng mát, uống trà thâu đêm, nó là phần không thể thiếu của chiếc vó bè. Do chắn ngang dòng, nên khi đặt vó phải luôn có người canh giữ, vì thế mà lều vó xuất hiện từ đó. Nơi đây còn là chỗ ăn, nghỉ khi vào con nước rong, tôm cá đổ về. Trong những đêm mưa dầm, bên bếp lò đỏ rực than hồng có vài chú cá tươi mới vớt từ vó lên đem nướng, nhâm nhi với vài chung rượu đế cho ấm người để thức canh cất vó thâu đêm…
Ráng chiều miệt Đồng Tháp mùa nước nổi
Để làm và đặt vó không hề dễ, phải là người có kinh nghiệm.
Ðầu ngoài của cây cầu có hai cột tre cũng là trụ chính của chiếc lều làm giá đỡ cho chiếc vó. Một trục sắt được bắt vào hai cọc cầu sao cho đầu ngoài sông của khúc cây nặng có thể kéo cao lên hay gục xuống nước theo nguyên tắc đòn bẩy.
Phía đầu ngoài sông, bốn cây tre chắc và dài bắt vào đầu khúc cây nặng, tạo thành hình cái quang gánh chữ thập. Thường thì người ta chọn nơi hẹp nhất của con rạch hay dòng sông nhỏ để đặt vó. Vó được đặt trọn giữa dòng, nhằm chặn cá tôm di chuyển theo hướng con nước. Miệng vó bên hứng cá được ra sát đáy sông, ngược lại phần bên kia căng thẳng và cao hơn mặt nước, để cá vào mà không dội ngược ra.
Cất vó bắt cá là một hình thức đánh bắt giúp người dân quê tôi tiết kiệm được khoản chợ búa. Lại khi sẵn cá tép nhiều, chủ vó mang ra chợ bán đổi các thức khác về dùng. Có khi đi ghe xuồng đến vó, chủ ghe sẵn tiện thấy cá tép thì mua luôn về làm cơm chiều.
Trẻ con theo chân người lớn ra sông cất vó
Điều đặc biệt là nước càng đục, càng cao thì cất vó càng nhiều cá. Nước đục, cá không thấy lưới. Nước cao, cá mát mình mẩy thì chạy nhiều rồi lọt vào vó. Sau một khoảng thời gian cố định thả vó rồi lại kéo vó lên, người cất vó buông một đầu vó – nơi buộc các cần vó – rồi thả lưới vó chìm sâu vào nước.
Có nơi cất vó có mồi dụ cá, tép vào lưới. Mồi được làm bằng hai thứ rất dễ tìm là cám đem rang cho thơm rồi trộn với đất dẻo vo thành cục nhỏ và liệng vào vó. Mùi cám thơm, cá tép vào vó ăn là lúc ta cất vó lên bắt chúng. Có mùa trúng vó, cá tôm nhiều. Cá lớn bắt ăn, cá nhỏ thả lại sông.
Hình ảnh chiếc vó giờ còn là ký ức của những người lớn tuổi
Nghề cất vó được xem là công việc nhàn hạ nhất trong các cách đánh bắt cá tôm. Nhưng, cũng vất vã lắm vì phải thức khuya và phải canh chừng cứ 5 – 10 phút là cất vó lên một lần. Người trong nghề cho biết, ban đêm tôm cá đi nhiều hơn ban ngày và lúc trời mưa cũng nhiều hơn lúc trời tạnh. Vì vậy, nên đêm hôm mưa gió người làm nghề này vẫn miệt mài với công việc của mình.
Hầu như vùng sông nước miền Tây nơi nào cũng có người làm nghề cất vó. Vùng sông rạch ven biển vào mùa mưa thì bắt cá kèo, cá chốt. Miệt ngọt hóa bán đảo Cà Mau thì đón cá đồng ra kênh rạch khi trời mưa lụt kéo dài. Vùng Đồng Tháp Mười thì bắt cá linh khi mùa nước nổi tràn về. Bất cứ địa hình nào, sông rộng, kênh hẹp gì cũng có thể chọn vị trí để làm vó được. Ngày trước, người làm nghề kỹ lưỡng phải cân nhắc dòng chảy, địa hình để tìm nơi để đặt vó, hay còn gọi là nơi máng vó.
Cái vó quê tôi
Có thể từ trong sâu thẳm tâm hồn, cất vó đã gợi lại cho ai đó về một miền ký ức xa xăm, gợi nhớ về một miền quê có người mẹ, người cha sớm hôm cất vó nuôi con khôn lớn.
"Còn đây cái vó bên sông,
Dẫu có theo chồng em vẫn nhớ quê".