Tiềm năng chưa khai phá
Nằm trên dải đất Duyên hải Nam Trung Bộ - cửa ngõ hướng ra biển Đông của cả nước, Quảng Ngãi sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển gắn liền với hệ sinh thái kinh tế biển miền Trung.
Hơn 130 km đường bờ biển và 6 cửa biển lớn đã mang đến cho xứ Quảng thiên nhiên đa dạng với những bãi biển còn nguyên nét đẹp hoang sơ của tạo hóa như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Sa Cần… cho tới những địa danh độc đáo như Lý Sơn, Bình Châu… mang nhiều giá trị địa chất, địa mạo xứng tầm di sản quốc tế.
Vùng biển Bình Châu - Quảng Ngãi
Vùng đất Quảng Ngãi là nơi giao thoa của các nền văn hóa cổ Chăm Pa, Sa Huỳnh, di sản văn hóa phi vật thể bài chòi và hàng trăm di tích lịch sử giá trị như Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Khu quần thể di tích Bác sỹ Đặng Thùy Trâm, chùa Thiên Ấn… tạo nên hệ thống điểm đến văn hóa – tâm linh đặc trưng riêng cho mảnh đất và con người nơi đây.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của khu kinh tế (KKT) Dung Quất hơn 20 năm trước với điểm nhấn đầu tàu là Nhà máy lọc dầu và cảng nước sâu Dung Quất đã từng bước trở thành trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như của cả nước.
Kết hợp cùng những lợi thế về tự nhiên, đây sẽ là chất liệu độc đáo để Quảng Ngãi phát triển nhiều loại hình du lịch biển, du lịch văn hóa – sinh thái, du lịch công nghiệp… hấp dẫn và bền vững. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh vẫn đang ở dạng tiềm năng chưa được khám phá và phát triển.
Năm 2018, toàn tỉnh đón 1 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế tăng 25% và lưu trú tăng 10%. Con số này dù đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với các địa phương "láng giềng" có sự tương đồng về vị trí, không gian kinh tế và hạ tầng giao thông như: Quảng Nam (6,5 triệu lượt khách), Bình Định (hơn 4 triệu lượt khách).
Tính đến thời điểm năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có khoảng 300 cơ sở lưu trú, chủ yếu được xây dựng trên quy mô nhỏ lẻ, xuống cấp trong khi các cơ sở lưu trú 4-5 sao hầu như vắng bóng.
Nỗ lực thay đổi, mở ra cơ hội
Nhận định về cơ hội bứt phá của Quảng Ngãi, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi diễn ra vào chiều 2-7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với những tiềm năng, giá trị bản địa đặc trưng mà Quảng Ngãi đang sở hữu, nếu chính quyền địa phương và các nhà đầu tư biết cách khai thác, quảng bá và phát triển sẽ tạo nên những giá trị thương mại rất lớn.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất. Tại những nơi có thể phát triển đô thị mạnh mẽ như Vạn Tường, Đức Phổ… cần quy hoạch tốt, đầu tư tốt để cải thiện đời sống cho người dân.
Thành phố Quảng Ngãi từ trên cao
Thực hiện chỉ đạo này, Quảng Ngãi đã và đang đưa ra nhiều cải cách mạnh mẽ nhằm đưa du lịch xứ Quảng thăng hạng tương xứng với tiềm năng, thu hút du khách quay trở lại và lưu trú lâu hơn. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan, các di sản văn hóa, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh.
Nhờ các chính sách rộng cửa thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đang dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như đô thị - nhà ở, y tế, dịch vụ, nghỉ dưỡng.... Điển hình có thể kể tới Khu dịch vụ chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh, Dự án cầu Cửa Đại, Thành phố giáo dục – y tế của Tập đoàn Nguyễn Hoàng... Hay đáng chú ý gần đây là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi vừa chính thức khởi công giai đoạn đầu ngày 30-6-2019, với hàng loạt tiện ích đồng bộ, hiện đại.
Với những lợi thế sẵn có, chính sách định hướng mạnh mẽ của chính quyền tỉnh cùng sự nhập cuộc của những nhà đầu tư lớn, uy tín, chắc chắn diện mạo du lịch Quảng Ngãi sẽ nhanh chóng lột xác, là một trong những mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.