Căn nhà làm bằng rơm quết bùn xập xệ dưới làn gió. Ở góc kia, cha đang lấy cây rựa đã mẻ phân nửa cạy những tổ ong vò vẽ bám trên tường đất. Mẹ tranh thủ đánh mấy cây cỏ khô thành tranh để sáng mai lợp lại cái mái nhà chống chọi với mùa mưa bão. Bà nội miệng nhai trầu, tay vẫn thoăn thoắt đảo đảo nồi khoai xéo để chín kịp buổi mẹ ra đồng gặt lúa. Còn hai chị em tôi chầu chực bên nồi khoai xéo của nội, thi thoảng có chú thạch sùng đứt đuôi chạy qua làm hai chị em nhìn nhau thích thú!
Ngày ấy, gia đình tôi thuộc diện nghèo khó nhất xóm, cách xa trung tâm xóm mấy quả đồi, cơm bữa đói bữa no. Đúng cái mùa tháng 8 âm lịch tiết trời se lạnh, gió thi thoảng rít từng hồi. Hai chị em ngoài việc đi chăn bò còn phải tranh thủ kiếm củi về cho mẹ đun dần.
Năm nào cũng vậy, cấy vụ hè thu xong, cha lại tất bật làm đất chuẩn bị cho mùa khoai vụ đông. Đến gần tết thu hoạch, nội chọn những củ khoai to ngon nhất không bị xơ rồi cắt thành lát phơi thật khô, sau đó cho vào chum đợi những ngày mưa gió, mùa gặt nấu mang ra đồng ăn thay bữa cơm trưa.
Nói là thay bữa cơm trưa bởi vì Nghệ An quê tôi mùa gặt cũng là mùa mưa bão, hôm nào trời nắng là phải tranh thủ gặt hái thâu trưa cho kịp vì đến chiều tối mà chậm là mưa gió ngã hết lúa.
Quy trình làm khoai xéo nghe qua thì đơn giản nhưng để làm được món ngon thì không phải ai cũng biết cách làm. Nội cho lạc, đậu đỏ, chút muối vào đun cho gần chín, xong cho khoai khô vào đun. Tiếp đó cho gạo nếp vào nấu đến lúc cạn nước rồi vùi than vào ủ đến lúc chín.
Công đoạn cuối cùng là cho đường hoặc mật mía vào và lấy hai chiếc đũa cả xéo thật đều.Công đoạn này đòi hỏi phải có sự kiên trì, xéo càng lâu thì món khoai càng mịn dẻo, ngấm đều. Có lẽ vì vậy mà người dân miền Trung quê tôi gọi món ăn này là khoai xéo.
Khi nồi khoai đã xéo xong nội lấy lá chuối gói thành từng nắm thật chặt, xếp vào rổ tre để chuẩn bị mang ra đồng.
Hai chị em tôi giành nhau cạo những miếng khoai cháy dính đáy nồi, cười khanh khách vui sướng.
Cạo xong nồi cháy, hai đứa lại rủ nhau ra ruộng với mẹ, một đứa chăn bò đứa kia bắt châu chấu tối về nướng.
Cánh đồng Khe Dong đã được bà con gặt phân nửa, mẹ và bà nội gặt lúa, cha bó lúa, hai chị em tôi lúc phụ cha đưa cái dây tre nẹp lúa, lúc lấy cho nội cốc nước chè chát… thoắt cái đã qua giờ ngọ.
Cha gọi nội và mẹ lên bờ nghỉ ngơi ăn trưa, mẹ quệt những giọt mồ hôi còn lăn trên má, ra mương nước thủy lợi rửa tay. Hai chị em tôi chỉ chờ có vậy, chạy vèo ra bờ ruộng trải tấm nilong ngồi sẵn.
Tôi mở nắm khoai ra hít hà cái vị khoai thơm đùm lá chuối hấp dẫn, mỗi người vài nắm khoai nhỏ thế thôi mà đủ năng lượng cho cả ngày ngoài đồng.
Sống xa quê ngót chục năm trời, thi thoảng tôi vẫn gọi điện về nũng nịu: “Nội ơi nội phơi khoai khô đi để tháng 8 về con lại được ăn khoai xéo nội nhé”. Bố đang bên cạnh nói vọng vào: Thời này lấy đâu ra khoai với chả xéo nữa hả con. Họ trồng lơ, trồng bắp cải hết rồi…
Một chút hụt hẫng len vào lòng, bao giờ tôi mới được nếm cái vị bùi bùi của món khoai xéo ngày gặt mà ở đó thấm đượm cả cái vị nghèo của một thời cơm độn nơi đất sỏi miền Trung.