"Thời gian gần đây con gái tôi thường ở lì trong phòng, không xuống sân chơi với bạn bè. Có hôm cháu xem TikTok đến tận khuya, bố mẹ phải tịch thu điện thoại mới chịu đi ngủ", chị Hoàng Dung (TP HCM) kể.
Mỹ Anh, sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học ở Đà Nẵng, cho biết cô cũng hay ngồi nhà lướt TikTok mà không cần đi ra ngoài. "Ban đầu mình chỉ coi cho vui, nhưng càng xem càng được gợi ý nhiều video hay. Có lúc xem đến khi điện thoại sập nguồn mới dứt ra được", cô nói.
Theo chị Hoàng Dung, do con phải học trực tuyến trong khi chị vẫn đi làm, nên mới cho con dùng smartphone. "Lúc dịch căng thẳng, thấy con hạn chế ra ngoài cũng tốt nên tôi không nghiêm khắc việc cháu lướt mạng xã hội. Đến khi phát hiện con có một số dấu hiệu bất thường, cả nhà mới bắt đầu hoang mang", chị cho biết.
Theo SCMP, khác với các mạng xã hội khác, TikTok có thuật toán riêng để hiển thị video cá nhân hóa nhằm giữ chân người dùng càng lâu trên nền tảng của họ. "Trên những ứng dụng khác, nhiều người có thể xem một số video nổi bật giống nhau, nhưng dữ liệu do thuật toán For You đề xuất với mỗi người là duy nhất và phù hợp với riêng cá nhân đó", TikTok giải thích trên blog.
Thuật toán TikTok hoạt động cụ thể thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, hồi tháng 6/2020, TikTok tiết lộ công cụ gợi ý nội dung của họ được phát triển dựa trên ba yếu tố: sự tương tác của người dùng trên ứng dụng (như họ like một đoạn phim hay theo dõi một tài khoản nào đó), các yếu tố trong video mà người dùng xem (như âm thanh, hashtag) và bối cảnh liên quan tới người dùng (như họ có xu hướng chọn ngôn ngữ gì, ở nước nào, loại thiết bị đang sử dụng).
Nhờ cơ chế hiển thị video "gây nghiện", TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất năm 2021 trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play theo thống kê của Sensor Tower. Tính đến tháng 7/2021, TikTok cũng được tải xuống hơn ba tỷ lần - cột mốc chỉ Facebook đạt được trước đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lo ngại việc chìm đắm trên TikTok có thể gây ra những bất ổn tâm lý ở trẻ em. Chị Dung cho biết, chị nhận thấy con gái 14 tuổi có những cử chỉ lạ ở ngón tay. "Ban đầu, con hay chạm đầu ngón tay cái vào ngón trỏ khi gặp câu hỏi khó hoặc bị căng thẳng. Vài ngày gần đây, con liên tục lặp lại hành động đó trong vô thức, ngay cả khi đang ăn cơm", chị Dung nói. "Khi tham khảo trên một nhóm phụ huynh, một số người cũng cho biết con họ thi thoảng cũng có biểu hiện vô thức như chập môi, nháy mắt hoặc nhếch miệng khi nói chuyện. Những đứa trẻ này đều dành nhiều thời gian xem video trên điện thoại, đặc biệt từ những ứng dụng như TikTok".
Đầu tháng 3, tổng chưởng lý của tám bang ở Mỹ tuyên bố tiến hành cuộc điều tra nhằm vào TikTok, liên quan đến những rủi ro nền tảng này có thể gây ra đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ. "Như nhiều bậc cha mẹ và người yêu trẻ, tôi lo ngại về tác động tiêu cực của mạng xã hội này đối với trẻ em và vị thành niên", Tổng chưởng lý Vermont TJ Donovan nói.
Đại diện TikTok khẳng định các chính sách của nền tảng luôn lưu tâm đến sức khỏe của người trẻ tuổi, đồng thời cho biết đang tìm cách cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nội dung họ xem, trong đó có thể chặn nội dung mà họ không muốn.
Theo New York Post, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết tận cùng vấn đề. Các mạng xã hội vẫn luôn ưu tiên lợi nhuận nên không thể chờ vào sự thay đổi của họ. Thay vào đó, phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn cho con em trong tuổi vị thành niên. Các bác sĩ, giáo sư về thần kinh học cũng khuyên rằng nên giữ cho trẻ tránh xa mạng xã hội trước khi chúng đủ tuổi vị thành niên và có nhận thức đầy đủ về tác hại của các video trên đó.