Hân nhìn Thu cười tít mắt, niềm hân hoan tràn ngập trong cô gái trẻ. Mọi người bắt đầu bàn xem đi ăn cưới mặc đồ gì, "quẩy" những trò vui gì… Sếp Hà trịnh trọng tuyên bố: "Lâu lắm rồi phòng mình mới có đám cưới vui thế này, huống hồ Thu lại cưới hẳn một anh sếp tổng, nhất định phải tưng bừng để con bé nở mày nở mặt về hội đồng nghiệp".
Trong lúc bàn tán xôn xao ấy, Thu hào hứng rủ Hân: "Chị nhớ dẫn anh ấy đi nữa nhé. Chưa khi nào em có dịp gặp anh xã nhà chị".
Hân cười gượng, ừ rất nhẹ. Không phải Hân không muốn dẫn chồng đi chung trong các buổi tiệc tùng, mà vì chính anh cũng không chịu đi.
Chồng Hân làm trong đội thi công lắp ráp các loại thiết bị điện. Công việc anh vất vả, lấm lem, lúc nào ra khỏi nhà cũng mang theo bộ đồ nghề bụi bặm. So với chồng các chị em trong công ty, chồng Hân thật sự không giỏi giang. Người thì có chồng làm kỹ sư, người thì chồng tự kinh doanh, người lại khoe chồng làm ngân hàng, trưởng phòng… Dịp lễ, chị em cũng tranh thủ khoe chồng tặng điện thoại, tặng xe, chuyển vài chục triệu đồng vào tài khoản.
Hân rất ít nhắc đến chồng trong những cuộc bàn tán ở công sở (Ảnh minh họa)
Không phải Hân không xem trọng công việc của chồng, nhưng sau những lần chứng kiến chị em khoe chồng ở công sở, cô tránh nhắc đến anh. Ai hỏi thì Hân chỉ nói chồng làm kỹ thuật bình thường, rồi lảng sang chuyện khác.
Hân không phủ nhận cô tự ti về chồng trước những anh chồng của đồng nghiệp. Như hôm nay cuối tháng, chị Bình mới thở dài vì chồng chỉ chuyển 25 triệu tiền lương, chị than số này chỉ đủ đóng học cho con, dư lại một ít. Còn Hân, cũng đến ngày cuối tháng, chồng chuyển cho cô 5 triệu, nói anh giữ lại 2 triệu gửi cho ba má đang đau yếu dưới quê. Hân chẳng nén được tiếng thở dài.
Tối đó Hân về, chồng cô thấy thiệp mời cưới thì hỏi: "Đồng nghiệp em lấy chồng à, ai thế?".
Hân chẳng buồn nhìn, cô đáp: "Cái Thu phòng em, lấy một anh làm sếp tổng công ty phần mềm X.".
Chuyện chỉ có thế, vậy mà đến chiều tối hôm sau, chồng gọi Hân vào phòng ra vẻ bí mật. Hân đang bực bội nhiều chuyện nhưng cũng đi theo. Vào rồi, anh lấy ra cái túi nhỏ, cười cười: "Anh đi đường thấy bộ váy này xinh quá, thế là vào mua cho em tuần sau đi ăn cưới. Em ướm thử xem nào, nếu không vừa anh ra đổi cỡ khác cho".
Hân ngạc nhiên nhìn bộ váy màu vàng nổi bật, chồng cô thì cứ cười cười, gương mặt còn lấm lem bụi đường. Anh ra khỏi phòng, dặn nhỏ: "Thế thử xong gọi anh lên xem nhé, anh chạy xuống tắt cái bếp đang kho cá dở".
Hân cầm váy trên tay, xúc động. Tự nhiên cô thấy thương chồng mình quá đỗi. Bộ váy đó Hân mặc vừa y, là anh nhớ số đo của vợ thật giỏi, lại còn khéo léo chọn đúng màu cô thích.
Hôm đó Hân thỏ thẻ rủ chồng đi ăn cưới cùng, nhưng anh lắc đầu bảo anh ngại. Với cả tối đó anh tăng ca, Hân nghe thế, mắt cay xè.
Đúng là chồng cô chẳng hoàn hảo, chẳng làm chức nọ quyền kia, cũng chẳng cho cô những món quà, những lần chuyển tiền bất ngờ mừng rỡ. Nhưng anh luôn là người kề vai sát cánh, tâm lý và chẳng khi nào khiến cô phải lo lắng từ những chuyện nhỏ trong nhà.
Anh luôn là người chồng kề vai sát cánh, chẳng khi nào khiến cô phải lo lắng từ những cái nhỏ nhất trong nhà (Ảnh minh họa)
Cũng ở công ty Hân, có chị than chồng lương tháng hơn 50 triệu đồng nhưng tính tình gia trưởng, hà khắc. Cũng có chị, khoe chồng lãng mạn, chiều chuộng nhưng cả chỗ làm ai cũng biết anh đó nổi tiếng đào hoa, nay cặp cô này, mai yêu cô khác.
Đôi lúc Hân cũng tủi thân vì chồng không giàu có, không thành đạt, nhưng rồi cô tự an ủi: ít nhất anh vẫn luôn hướng về vợ con, cùng vợ chắt chiu tiết kiệm. Mà nhìn lại thì chính Hân cũng rất nhiều khuyết điểm, sao cô lại mong cầu đủ thứ ở anh?
Đã nhiều đêm Hân nghe anh thủ thỉ: "Năm nay anh sẽ ráng cho con tiền mua một cây đàn, thấy con thích quá chừng". Chỉ thế thôi cũng làm lòng Hân mềm nhũn.
Những người đàn ông chưa hoàn hảo như chồng Hân, thật ra luôn có vài điểm để yêu, để mến. Quan trọng là cứ chân thành, cố gắng. Còn làm vợ, tất nhiên cũng phải nhẹ nhàng mà hiểu, mà thương...