Ốc bươu ngày xưa rất dễ bắt. Mỗi lần ba má xách cái giỏ tre ra ruộng là thế nào lúc trở về cũng có ốc. Chúng đen sẫm, béo tròn, rất khỏe.
Khác với ốc lác, ốc gạo, ốc bươu to hơn nhiều. Mấy đứa nhỏ ăn loại ốc này tưởng như món dân dã, ăn chơi mà quá chừng dinh dưỡng, đứa nào cũng nhận đủ canxi để lớn. Đó là lời má nói, mỗi lúc lui cui bên cái bếp lò, chuẩn bị giã tiêu, nhóm bếp, làm cái món hết sức cầu kỳ để các con ăn.
Ốc được bắt về, đem ngâm nước vo gạo cả ngày trời cho nhả hết bùn. Nếu có ớt thì làm siêng cắt vào 1, 2 trái ớt đỏ. Bầy ốc béo thấy cay là nhả hết bùn, sạch thơm và không còn chút nhớt nào.
Ốc bươu là món ăn trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều người
Những hôm nhà làm ốc bươu là đám trẻ vui ra mặt. Mấy chị em cứ ngồi canh ốc bò lên rồi gạt xuống để thấy chúng khép mày lại. Chơi chán rồi, cả đám xách rổ đi hái lá bưởi, lá chanh, sả cây, ớt chín đem rửa sạch. Mấy loại lá này để má dùng hấp ốc cho thơm. Khi ốc chín cũng là lúc mùi mấy cái lá vườn thơm nồng bốc lên như mùi nước xông giải cảm, nghe đã thấy khỏe người.
Để làm món ốc nướng tiêu, tụi nhỏ hò nhau ra sắp bếp lò, thổi cho than hồng rực. Ba má sẽ ngồi nhặt tiêu xanh, giã sơ cho đủ thơm nồng. Rồi chế thêm xíu mắm, cho thêm xíu đường… để thành một chén nước xốt tiêu xanh cay cay, mặn ngọt. Khi đám trẻ đặt ốc lên nướng gần chín, thứ nước xốt này sẽ được chan vào từng con ốc, tỏa ra thứ mùi thơm đến nỗi nhà hàng xóm còn nghe.
Vị ốc bươu nướng tiêu xanh cay nồng mà ăn vào những ngày mưa thì còn gì bằng
Món ốc bươu khi hấp, khi nướng rất diệu kỳ, tự trong con ốc đã có thể tiết ra một thứ nước ngọt thơm, tự chín mà không bị cháy nồi. Nhưng dù là hấp hay nướng thì cũng phải nhớ ăn ngay khi còn nóng, vì để nguội rồi thì giảm độ ngon mất quá nửa phần.
Mỗi lần cả nhà làm ốc bươu nướng tiêu xanh, má đều làm không kịp sức ăn của tụi nhỏ. Con nào chín là được lấy ra hít hà, rồi đứa lớn đứa nhỏ khẽ dùng cái gai bưởi mà khéo léo khều phần thịt ốc ra. Đứa nào ăn cay không nổi thì gạt bớt tiêu xanh, rồi chấm mắm gừng cũng đủ thấy vị giác tê tê, xuýt xoa khen mãi.
Nhưng nhờ nướng ăn ngay vậy mà ngon, con ốc chín tới, không bị teo bớt thịt. Bởi cái dòng ốc đồng, ốc ruộng không như ốc biển, quá lửa là teo thịt liền.
Giờ có nhiều người hay ăn ốc bằng cái xiên nhọn inox hoặc tăm tre, nhưng người dưới quê không bao giờ ăn như thế. Phải dùng gai chanh, gai bưởi xanh đen, cứng cáp mà lại nhọn hoắt, lấy con ốc bươu ra vô cùng dễ dàng. Chén mắm cũng không thể thiếu sả, gừng băm nhuyễn, ớt đỏ, tỏi nồng, xắt thêm vài lát tắc, ít lá chanh the the. Phải đủ những thứ ấy mới thấy vị ốc nó xộc lên thơm lừng. Ốc bươu ăn béo, giòn, con nào con nấy mập ú. Cắn một miếng mà nghe cả mùi đồng quê dễ chịu, mùi tiêu xanh nồng nàn.
Chén mắm chấm ốc nhìn đã muốn "hít hà"
Trời mưa mà ngồi quây quần cùng nhau ăn ốc bươu nướng tiêu xanh thì thôi rồi. Ăn xong lũ trẻ có khi khỏi ăn cơm. Vậy mới thấy thương ba má, toàn lội đi ruộng để chiều cái thú ăn chơi "trời đánh" của lũ con.
Bởi vậy, cứ mỗi năm mùa mưa tới là nhiều người lại thèm được ăn ốc bươu hấp, nướng tiêu. Giờ giá ốc không hề rẻ, người ta cũng nuôi nhiều hơn, lên mạng đặt món là có ngay người giao tới tận nhà. Nhưng làm sao mà quên được cái cảm giác ngồi canh lũ ốc béo bò lên rồi gạt xuống. Những đứa trẻ có quá khứ nghịch cả ngày trời vậy mà không biết ngán. Một giỏ ốc ba má mang về, đâu chỉ là bữa ăn ngon, ấm nồng mà còn là những trò chơi vụng dại, là cả bầu trời kỷ niệm đong đầy.