Việt Nam cán mốc 10 triệu khách quốc tế lần đầu tiên vào năm 2016, trước khi trở thành một trong những thị trường du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2017. Truyền thông đánh giá mức tăng trưởng này là kỳ tích, nhưng nếu nhìn sang các quốc gia lân cận, có thể thấy số khách quốc tế của chúng ta không quá ấn tượng. Bởi cũng trong năm 2016, các thị trường như Thái Lan - Malaysia - Hồng Kông chứng kiến số khách quốc tế từ 26 - hơn 32 triệu, vượt xa so với Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do các lợi thế về du lịch của Việt Nam đang bị kìm hãm, thậm chí vô hiệu hóa bởi không ít các "nút cổ chai", như mức độ cởi mở quốc tế về du lịch (chủ yếu là về visa); phát triển bền vững; hạ tầng du lịch, dịch vụ.....Trong đó, một trong những vấn đề đáng chú ý hàng đầu là vận tải hàng không - hình thức di chuyển đang chiếm ưu thế tuyệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế nói chung.
Hàng không và du lịch có mối quan hệ mật thiết
Khách hàng chưa thoả mãn
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tỷ lệ khách du lịch trên các đường bay nội địa, quốc tế tăng mạnh, trong đó khách du lịch đã trở thành phân khúc thị trường khách hàng không lớn nhất, chiếm tới 70% tổng khách trên đường bay.
Khách du lịch tăng mạnh khiến hàng không Việt Nam phải nỗ lực đưa ra hàng loạt giải pháp, bao gồm đa dạng hóa đường bay, tần suất bay, bổ sung các ưu đãi giá vé, linh hoạt tỉ lệ đặt chỗ và thu xếp các khung giờ hợp lý cho các hãng lữ hành...
Nhưng những nỗ lực này vẫn còn chưa đủ, khi các đường bay thẳng vẫn đang thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của điểm đến. Theo ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt , rất nhiều đối tác Ấn Độ than phiền về việc bay đến Việt Nam phải quá cảnh Thái Lan, Singapore, hoặc Malaysia, vừa mất thời gian vừa tăng chi phí.
Có những lúc giá tour từ Ấn đến Việt Nam cao gần gấp đôi đến Bali (Indonesia), do đó công ty không làm được tour định kỳ cho những đoàn lớn hàng năm. "Bali không chênh lệnh lắm về khoảng cách và tài nguyên du lịch với Việt Nam nhưng đông khách Ấn hơn hẳn. Một đối tác của công ty chúng tôi gửi 500 khách đến Bali mỗi tháng nhưng trầy trật mãi chỉ gửi qua đây được vài chục khách.
"Nguyên nhân lớn nhất là do giá cả", ông Huê nói. Đây cũng là vấn đề "nóng" ngay tại thị trường hàng không trong nước, khi nhiều tuyến bay đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc... thường xuyên rơi vào tình cảnh khan hiếm và "đội giá". "Nhiều du khách phàn nàn về giá vé máy bay Hà Nội - Quy Nhơn quá đắt vào mùa cao điểm du lịch hè", bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định kiêm CEO Công ty Du lịch Goldenlife, cho biết. Mức giá này có thể lên tới 2 triệu - 3,6 triệu đồng/chặng (chưa kể thuế phí), đắt không kém bay Hà Nội-TP HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Thiếu vắng nhiều đường bay thẳng trên thị trường hàng không Việt Nam
Những điểm nghẽn của hàng không
Theo bản kiến nghị mà Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Việt Nam có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 75 triệu khách/ năm, chưa bằng công suất chỉ một sân bay lớn như sân bay Changi tại Singapore hay sân bay KLIA của Malaysia.
Về chính sách, so sánh với nhiều quốc gia ngay trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang thua kém về mức độ tự do hóa cao trong hàng không. Như tại Thái Lan, quốc gia này chỉ có dân số bằng 72% Việt Nam, nhưng số lượng hãng hàng không tại đây nhiều gấp 4 lần và số lượng du khách quốc tế hàng năm cao gấp 3 lần…
Từ thực trạng này, bản kiến nghị đưa ra nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ cho ngành hàng không Việt, trong đó có tạo điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sân bay; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay...
"Việc mở cửa bầu trời, tăng thêm hãng hàng không sẽ giúp cơ cấu thị trường thay đổi vì du lịch có thể tiếp cận đến nhiều phân khúc khác, tạo ra những thị trường mới hoàn toàn. Chẳng hạn, cũng là thị trường Trung Quốc nhưng có thể kết nối Hà Nội đến Thẩm Quyến, Thiên Tân... mở ra những thị trường cao cấp hơn", một thành viên thuộc Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân bình luận.
Tăng thêm hãng hàng không sẽ giúp cơ cấu thị trường thay đổi
Tuy nhiên, ngay khi được tạo điều kiện tối đa trong việc cấp phép thì các hãng hàng không mới vẫn đứng trước hàng loạt thách thức khác, như khan hiếm nguồn nhân lực hoặc bài toán lẩn quẩn về hạ tầng: muốn đưa khách bay thẳng từ quốc tế về các điểm du lịch của Việt Nam, thì nhiều sân bay địa phương phải được nâng cấp thành sân bay tiêu chuẩn quốc tế - một điều không dễ thực hiện khi hàng loạt sân bay địa phương đang thua lỗ hoặc hoà vốn, theo thông tin Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố trong năm 2017.
Để đi tìm lời giải cho những điểm nghẽn này nhằm đưa hàng không thực sự trở thành "đôi cánh" của du lịch, Hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam" sẽ diễn ra tại Thanh Hóa trong ngày 26-7 tới đây.
Hội thảo dự kiến có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch…), các chuyên gia kinh tế - hàng không đầu ngành đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA…. cùng hơn 500 tổ chức doanh nghiệp, đại lý trên cả nước.