Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouli thăm một nạn nhân người Việt Nam sau vụ nổ bom tại Giza - Ảnh: sbs.com.au
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra những khuyến cáo cần thiết đối với cả đơn vị tổ chức tour lẫn người đi du lịch.
Phải rút kinh nghiệm để có phương án tốt nhất
Ông Vũ Danh Tuấn (giám đốc Công ty Youtrip - một công ty tổ chức du lịch) cho rằng các công ty du lịch nên tuân thủ những quy định về an toàn, an ninh của nước bạn, rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra để có phương án đối phó khi xảy ra rủi ro...
* Thưa ông, vụ một đoàn du khách Việt Nam bị đánh bom tại Ai Cập dẫn tới hậu quả rất nặng nề. Phải chăng việc xem xét mức độ an toàn của điểm đến chưa được các công ty du lịch quan tâm?
- Không một công ty du lịch nào chấp nhận rủi ro để đưa khách đến những điểm đến không an toàn. Thông thường, trước khi đưa du khách đến một nước, các công ty du lịch sẽ phải xem xét xem nước đó có nội chiến, có dịch bệnh, có thiên tai... hay không.
Bản thân du khách khi chọn một điểm đến cũng tìm hiểu xem điểm đến đó có an toàn không, chứ không du khách nào muốn đến một điểm bất ổn.
Ông Vũ Danh Tuấn
Cơ quan quản lý cũng thường xuyên khuyến cáo các công ty du lịch và du khách. Các quốc gia có bất ổn cũng xem xét khi cấp visa cho du khách vào nước họ.
Một nước có dịch bệnh thì họ sẽ yêu cầu du khách phải tiêm chủng trước khi họ cấp visa. Nước có nội chiến họ sẽ đưa ra khuyến cáo và khách du lịch đương nhiên cũng không dám mạo hiểm đến đó.
* Như thế, các công ty du lịch biết được những điểm đến bất ổn và hoàn toàn có thể cân nhắc khi đưa du khách đến đó?
- Cũng có nhiều nơi tưởng an toàn nhưng lại xảy ra chuyện. Đặc biệt, những điểm đến thu hút đông du khách là những điểm khủng bố tập trung để tấn công. Hay những khu vực rủi ro về thiên tai như núi lửa lại là những điểm đến rất đẹp.
Bởi thế, các công ty tour trước tiên cần tuân thủ những quy định về an toàn, an ninh của nước bạn. Tiếp đó, nên tham khảo ý kiến của các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước sở tại và dĩ nhiên, nên rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra để có phương án đối phó khi xảy ra rủi ro.
Binh sĩ Ai Cập bảo vệ hiện trường vụ tấn công - Ảnh: Reuters
* Theo ông, cơ quan quản lý có nên cấm tổ chức các tour du lịch đến những nước bất ổn không, hay để việc đó cho đơn vị tổ chức tour chịu trách nhiệm?
- Trước nay, cơ quan quản lý vẫn đưa ra quy định, khuyến cáo, tổ chức tập huấn, dự báo. Tuy nhiên, các công ty du lịch sẽ phòng tránh và quản lý rủi ro tốt hơn nếu có những đối tác nhận tour tin cậy ở nước ngoài.
Các đơn vị quản lý rất muốn an toàn, không ai muốn có chuyện xảy ra cả, không ai chạy theo lợi nhuận vì họ chẳng được gì. Tôi cho rằng lâu nay các cơ quan quản lý và các công ty tour đều đã làm khá nhiều, khá kỹ để đảm bảo an toàn cho du khách và chẳng ai mong muốn chuyện không hay xảy ra.
* Với vụ việc xảy ra vừa qua tại Ai Cập, ông có cho rằng các công ty tour cần tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo cho du khách?
- Đối với mỗi tour đưa khách ra nước ngoài, tất cả công ty du lịch đều có hướng dẫn, tổ chức họp đoàn, khuyến cáo khách không tự ý tách đoàn, tôn trọng quy định của nước sở tại. Họ phải làm những việc này để an toàn cho du khách và giữ uy tín cho họ. Sản phẩm du lịch không phải là sản phẩm bán một lần. Các công ty du lịch đều phải giữ uy tín cho họ.
Tránh đưa khách đến nơi rủi ro
Ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Tuấn (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho rằng sau vụ việc này, cơ quan quản lý cần phải có những định hướng cho các công ty du lịch để tránh những nơi có thể xảy ra rủi ro, hạn chế thấp nhất sự cố.
Khách du lịch cũng cần thận trọng và tỉnh táo khi lựa chọn điểm đến. Các công ty tổ chức du lịch phải đưa ra yêu cầu với đối tác để đảm bảo an toàn cho du khách của mình.
Khi xảy ra sự cố, phải hợp tác để xử lý một cách nhanh nhất có thể, thực hiện biện pháp bồi thường thiệt hại, bảo hiểm, chế độ thỏa đáng cho những người bị sự cố.
"Từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra những vụ đau lòng như vừa qua. Chúng ta thúc đẩy du lịch phát triển nhưng phải có giải pháp, định hướng để làm sao du lịch phải an toàn", ông Tuấn nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Đạt (giám đốc Transviet) nhấn mạnh để đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch ở nước ngoài, vai trò của công ty du lịch là rất lớn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - giám đốc Transviet
Đầu tiên công ty du lịch phải đánh giá được điểm đến về mức độ rủi ro, như điểm đến có rủi ro về khủng bố, thiên tai, dịch họa... hay không. Từ đánh giá này để quyết định có tổ chức tour tới điểm đến đó hay không, nếu có thì nên tổ chức vào thời điểm nào và hành trình tour ra sao để đảm bảo an toàn cho du khách.
Ngoài ra, vai trò của hướng dẫn viên rất lớn để đảm bảo an toàn cho du khách. Đó phải là những hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm và hiểu điểm đến, kể cả hướng dẫn viên từ trong nước đưa đoàn sang.
Đặc biệt, với những điểm đến có chỉ số an toàn không cao, rất cần phải có những hướng dẫn viên giỏi, mưu trí, chuyên nghiệp, đảm bảo dẫn khách đi theo lộ trình an toàn và có khả năng xử lý tình huống tốt.
"Trước đây chúng tôi từng tổ chức các tour đi Ai Cập nhưng từ năm 2011 đã ngừng bán tour tới thị trường này vì đánh giá mức độ an toàn không cao", ông Tiến thông tin.
Nhà văn Di Li
Dưới góc độ một người hay đi du lịch nước ngoài và viết sách du ký, nhà văn Di Li cho rằng việc đảm bảo an toàn cá nhân là cao nhất. Vì vậy, với các quốc gia mà chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo không nên sang vì vấn đề chính trị, chiến tranh, bạo loạn, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh thì không nên đi.
Tuy nhiên nếu vậy thì có thể hết đời không được đi du lịch ở những nước có chỉ số an toàn thấp. Vì vậy, tùy người, tùy tình hình mà cân nhắc đi hay không.
Nhà văn phân tích: dù đi theo tour hay tự đi thì mỗi kiểu đều có nguy hiểm riêng. Đi theo đoàn ở những quốc gia hay có khủng bố thì xác suất bị khủng bố lớn. Vì khủng bố không cần biết khách bên trong xe là người nước nào, chỉ cần nhìn thấy đó là xe du lịch, có đông người thì sẽ kích nổ bom để gây áp lực với chính phủ.
Vì vậy, nếu du lịch đến các quốc gia mà chỉ số an toàn thấp thì nên cố gắng tránh những nơi có đám đông, vừa đề phòng trộm cắp, vừa tránh rủi ro bị khủng bố.
Xử phạt doanh nghiệp vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho du khách
Ông Ngô Hoài Chung - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Ông Ngô Hoài Chung - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết lâu nay tổng cục vẫn khuyến cáo các công ty du lịch cân nhắc lựa chọn đưa khách đến những thị trường có tình hình phức tạp về chính trị, có đối tượng khủng bố, khuyến cáo không đưa khách đến những địa điểm nhạy cảm, những nơi đông người, dễ có xung đột.
"Đối với khách du lịch, chúng tôi cũng khuyến cáo nên lựa chọn các công ty du lịch có uy tín, có thương hiệu, có bề dày hoạt động, có chất lượng dịch vụ tốt.
Vụ việc tại Ai Cập tất nhiên sẽ gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho du khách nhưng thật ra chỉ với những điểm xảy ra vụ việc. Ai Cập là thị trường có lượng khách du lịch Việt Nam đến không lớn do đây là thị trường xa, thuộc khu vực Trung Đông, thường xuyên xảy ra khủng bố nên khách Việt Nam lựa chọn không nhiều, mỗi năm chỉ vài chục nghìn khách. Do đó, tôi nghĩ không ảnh hưởng tới việc khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong thời gian tới", ông nói.
Ông cũng thông tin hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép. Việc cấp phép cho các doanh nghiệp bây giờ đơn giản, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp ra đời, huy động nguồn lợi của xã hội để hình thành các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho du khách, tổng cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm tốt công tác hậu kiểm để phát hiện những doanh nghiệp làm ăn gian dối, doanh nghiệp quản lý hồ sơ không tốt, kịp thời phát hiện xử lý những doanh nghiệp vi phạm, từ việc xử phạt hành chính đến việc thu hồi giấy phép, làm sao để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch một cách tốt nhất.