Thống kê quốc tế cho thấy cứ 1% tăng trưởng của Hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 -7%/năm.
Đà tăng trưởng của thị trường
Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành hàng không thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết giai đoạn từ 2008 - 2018, về số lượng tàu bay, tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam đã tăng từ 60 lên 192 tàu. Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng.
Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.
"Nói về sự tăng trưởng nhanh chóng, mà có những ý kiến lo ngại là tăng trưởng "nóng" trong lĩnh vực hàng không, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng: "nóng" vì đó là 2 con số nhưng "nóng" đến đâu là do nhận định của người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ. "Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định. Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối", ông Đỗ Đức Tú, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh.
Chia sẻ một góc nhìn tích cực với sự tăng trưởng của thị trường hàng không, Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành bày tỏ, có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng.
Dư địa mở từ... chính sách
TS Trần Du Lịch cũng từng khẳng định chúng ta cần tạo ra khung pháp lý để cạnh tranh, trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0 sẽ phát triển rất nhiều. Không những vậy, ông Lịch còn khuyến nghị, Bộ Giao thông Vận tải quản lý ngành hàng không cần rút kinh nghiệm, tránh tình trạng như Grab, Uber chạy rồi mà không biết quản lý ra sao.
Đặc biệt, cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không có. "nếu hiểu cạnh tranh chỉ ở khách hàng thì quá hẹp. Vận tải hàng hóa trong 5 năm qua của VN nhanh nhất khu vực Asean, 200 nghìn tấn lên 450 nghìn tấn. Đó là lĩnh vực cực kỳ hấp dẫn mà ít người nói tới"- TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Trong một cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho rằng cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Lĩnh vực nào Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, không thì để tư nhân làm.
Xu hướng vốn đầu tư tư nhân đổ vào các dự án hạ tầng hàng không ngày càng rõ nét. Trong khoảng 3 năm trở lại đây các Dự án nhà ga hàng không dễ dàng gọi vốn đầu tư do thời gian thu hồi vốn từ phí dịch vụ sân bay ngắn; nguồn thu từ việc cho thuê các quầy dịch vụ ăn uống, hàng miễn thuế ổn định. Thị trường hàng không gần đây đã có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways.
Tất cả sẽ là những vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp… cùng phân tích, mổ xẻ và gợi mở những giải pháp tại Tọa đàm: "Xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho ngành hàng không" được tổ chức vào 13h30 – 17h ngày 16-5 tại Tầng 7, Trung tâm Thương mại quốc tế VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.