Dự Lễ kỷ niệm có bà Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; ông Dương Văn Lượng, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, TP Thái Nguyên và các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.
Bà Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên (thứ năm từ trái qua), trao Huân chương Độc lập Hạng nhì cho Hiệu trưởng trường PTTH Chu Văn An - bà Nguyễn Thị Việt Hà.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống vẻ vang kể từ thời điểm tháng 9-1972, Trường Bổ túc văn hóa cấp III tại chức Gang thép nay là Trường THPT Chu Văn An được thành lập đến nay. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Nhà trường đã nỗ lực vun đắp để Trường THPT Chu Văn An khẳng định vị thế, thương hiệu trong công tác giáo dục và đào tạo, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu với thầy và trò Trường THPT Chu Văn An, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga đã ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích nhà trường đã đạt được trong suốt 50 năm qua. Bà Nga cũng bày tỏ sự tin tưởng trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt; đội ngũ giáo viên sẽ là những người truyền cảm hứng, khát vọng, khơi dậy khả năng sáng tạo của học sinh.
Ra đời vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực, việc duy trì được sĩ số của trường là rất khó khăn. Nhưng những khó khăn đó không mài mòn được nhiệt huyết, lòng yêu nghề của các thầy cô giáo.
Từ mô hình "Trường trong lòng xí nghiệp"
Trước đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty Gang thép, Trường Bổ túc văn hóa cấp III tại chức Gang thép được thành lập vào tháng 9-1972.
Thời điểm này, Trường có 11 giáo viên chuyên trách, 4 giáo viên ngoại ngữ, 6 giáo viên cấp III và một số giáo viên cấp II. Đến năm học 1974 - 1975, Nhà trường đã đảm nhận thêm 2 nhiệm vụ với 2 hệ học khác nhau: Hệ Ngoại ngữ và Hệ Văn hóa và Nghề nghiệp.
Hội đồng sư phạm trường PTTH Chu Văn An
Chỉ tính trong giai đoạn 1972-1980 đã có hàng trăm học viên bổ túc văn hóa của Trường thi được vào các trường đại học. Nhiều học viên xuất thân từ công nhân, do phấn đấu tốt trong học tập và rèn luyện đã trở thành cán bộ chủ chốt của xí nghiệp.
Năm 1984, trường được đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học kỹ thuật công nghiệp Gang thép, hòa nhập vào khối các trường phổ thông trung học (PTTH) toàn tỉnh. Trong thời gian này, Trường có nhiệm vụ vừa dạy bổ túc văn hoá cho công nhân, vừa dạy văn hoá nghề nghiệp cho con em công nhân, vừa liên kết với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên tổ chức hệ Kỹ sư thực hành và mở các lớp trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho hàng nghìn cán bộ Công ty Gang thép Thái Nguyên và các đơn vị trên địa bàn phía Nam TP. Thái Nguyên.
Sau thời gian dài thực hiện mô hình "Trường trong lòng xí nghiệp", năm 2000, Trường được chuyển giao từ sự quản lý của Công ty Gang thép Thái Nguyên sang Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, vinh dự được mang tên người thầy giáo mẫu mực - Trường THPT Chu Văn An.
Đến khẳng định vị thế, thương hiệu trong đào tạo
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường THPT Chu Văn An đã từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu trong công tác giáo dục, đào tạo, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục Thái Nguyên.
Các tiết mục văn nghệ của giáo viên, học sinh nhà trường chào mừng 50 năm ngày truyền thống
Điều đáng chú ý ở Trường THPT Chu Văn An là luôn đi trước đón đầu. Kể từ năm học 2002-2003, Trường là cơ sở giáo dục đầu tiên khối THPT của tỉnh tự mở lớp dạy tiếng Anh và Tin học cho giáo viên Nhà trường. Trường cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức dạy học bằng tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên.
Với sự nỗ lực không ngừng, tháng 10-2002, Trường THPT Chu Văn An cũng là trường THPT đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn Quốc gia và là Trường THPT không chuyên duy nhất của tỉnh có 3 năm liền nằm trong top 200 trường có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc.
Từ mái trường này, hàng vạn học sinh đã trưởng thành, nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều đáng mừng là thế hệ sau luôn kế thừa xuất sắc những tinh hoa của thế hệ trước. Đó chính là sự kết tinh của truyền thống Nhà trường; tinh thần đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý và học viên, học sinh qua các thời kỳ.
Quang cảnh lễ kỷ niệm
Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp "trồng người" của tỉnh, Nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND tỉnh cũng như các bộ, ban, ngành, đoàn thể tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1992); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011).
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Trường vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đến thời điểm này, đây cũng là phần thưởng cao quý mà Trường THPT Chu Văn An là trường đầu tiên của tỉnh được nhận.
Nhìn lại chặng đường 50 xây dựng và phát triển, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An tự hào vì đã có đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh và đất nước. 50 năm đó cũng đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp, một giá trị văn hóa Chu Văn An và một hành trang để Nhà trường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã đề ra, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Tự hào về trang sử vẻ vang qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay, Trường THPT Chu Văn An đang phấn đấu đưa sự nghiệp trồng người lên một tầm cao mới - tầm cao của trí tuệ, năng động, sáng tạo.