Trước đó, vào chiều ngày 14-8, ông Ph.V.H, 69 tuổi, ngụ tại Gò Vấp , được người nhà đưa đến nhập viện Gia An 115 trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt dây thần kinh số 7 bên phải (dây thần kinh mặt bên phải) và yếu nửa người bên phải.
Sau khi khẩn trương cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, chụp CT scan não để chẩn đoán, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ thiếu máu não cấp được đưa vào bệnh viện không xác định rõ thời gian khởi phát. Chính vì vậy, các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có khả năng tàn tật cao, thậm chí có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời ngay trong khung giờ vàng.
Do đó, các bác sĩ của Bệnh viện Gia An 115 lập tức khởi động quy trình xử lý can thiệp mạch máu não cấp cứu cho người bệnh Ph. V.H. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện MRI tưới máu não và ứng dụng phần mềm RAPID để đánh giá mức độ thiếu máu não của bệnh nhân. Sau khi có kết quả MRI, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân còn có thể được can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Ê- kíp các bác sĩ gồm BS.CKII Nguyễn Hữu Hậu Trưởng khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, BS. Trần Thị Mai Uyên Trưởng Khoa Nội thần kinh đột quỵ, Th.S Bs. Võ Ngọc Thanh Trúc Khoa Gây Mê Hồi Sức… đã nhanh chóng hội chẩn và chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp để tiến hành chụp mạch não số hóa xóa nền DSA. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn gần, cần can thiệp lấy huyết khối khỏi lòng mạch, từ đó sẽ giúp tái lưu thông dòng chảy của máu lên não.
Lập tức, bệnh nhân được thực hiện cấp cứu can thiệp tắc động mạch não. BS.CKII Nguyễn Hữu Hậu phụ trách đưa dụng cụ cơ học Solitair và Penumbra ACE vào lòng mạch não của bệnh nhân Ph.V.H, lấy được huyết khối dài khoảng 4mm đã gây thuyên tắc mạch. Sau hơn 30 phút thực hiện, ê-kíp can thiệp mạch máu não của Bệnh viện Gia An 115 đã can thiệp thành công, lấy hoàn toàn các huyết khối làm tắc nghẽn động mạch máu não giúp tái lưu thông mạch máu trở lại.
Sau 24 giờ kể từ khi được can thiệp lấy huyết khối động mạch não, tri giác của bệnh nhân Ph.V.H đã tiến triển tốt. Ông thực hiện được theo lời bác sĩ, cánh tay bên yếu đã hồi phục gần hoàn toàn, có thể cử động đưa lên đưa xuống... Sáng ngày hôm sau, 15.08, bệnh nhân có thể ăn được bằng đường miệng, ngồi cử động hai tay và bắt đầu nói chuyện được tuy không rõ lời. Đến ngày 19/08, bệnh nhân không còn dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 (thần kinh mặt) và nửa người bên phải, đi đứng bình thường, tự ăn uống được và đã được xuất viện.
Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối bằng chụp mạch não số hóa xóa nền DSA là kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ não, có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân đột quỵ não nặng trong gang tấc. Kỹ thuật này được bệnh viện Gia An 115 tiếp nhận chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) trong thời gian qua. Đây cũng là kỹ thuật hiện đại lấy huyết khối phối hợp giữa Solitair và Penumbra ACE (còn gọi tắt là Solumbra) đã được thế giới công nhận và đưa vào ứng dụng từ cuối năm 2017.
(Hình ảnh mạch máu não của bệnh nhân Ph.V.H trước và sau điều trị)
Theo Bs. CKII Nguyễn Hữu Hậu – Trưởng Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh Bệnh viện Gia An 115, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ sớm dựa trên bốn yếu tố sau:
F - Face: Méo mặt, miệng lệch, mắt lệch
A - Arm: Một bên tay yếu, khó cử động
S – Speech: Bệnh nhân có thể nói hơi khó, không nói được, không hiểu lời nói
T – Time: Ngay lập tức gia đình phải gọi ngay cho cấp cứu và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện lớn có đơn vị can thiệp, chữa trị đột quỵ càng sớm càng tốt.
Bởi vì, ngoài trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sĩ, sự phối hợp của người nhà cũng góp phần rất quan trọng trong việc giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Nhờ sự phối hợp nhanh chóng của người nhà, bệnh nhân có thể tránh được các biến chứng như: tàn phế, khó hồi phục; giảm thiểu chi phí lẫn nhân lực để chăm sóc nếu bệnh nhân rơi vào cảnh tàn phế sau này; quan trọng hơn là có thể cứu người bệnh thoát khỏi nguy cơ tử vong do chuyển đến bệnh viện trễ.