Giáo sư Wu Xiujie, một thành viên trong nhóm nghiên cứu. Ảnh: Xinhua.
Hơn 30 mảnh xương hóa thạch người cổ đại khoảng 300.000 năm tuổi đã được tìm thấy tại một địa điểm khai quật ở huyện Đông Chí, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, các nhà cổ sinh vật học nước này hôm 24-5 cho biết. Khám phá mới có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách con người cổ đại sinh sống và phát triển ở khu vực Đông Á.
Địa điểm tìm thấy hóa thạch được cho là một hang động lớn trong quá khứ nhưng đã sụp đổ vì lý do nào đó. Xung quanh các mảnh xương người, nhóm nghiên cứu còn khai quật được hơn 100 đồ tạo bằng đá và hóa thạch của hơn 40 loài động vật có vú.
"Trong hang động, chúng tôi không chỉ phát hiện một số lượng lớn hóa thạch của con người cổ đại, mà còn tìm thấy nhiều bằng chứng về hành vi sống của họ. Điều này có thể làm sáng tỏ cách con người cổ đại sinh sống và phát triển", Wu Xiujie, Giáo sư từ Viện Cổ nhân chủng học và Cổ sinh vật học động vật có xương sống cho biết.
Trong những mảnh xương được tìm thấy, nổi bật nhất là một hộp sọ người với cấu trúc khuôn gặp gần như hoàn chỉnh. Hóa thạch được xác định có niên đại thuộc thời kỳ Trung Pleistocene, một giai đoạn trong thế Canh Tân, cách đây 781.000 - 126.000 năm.