Hân nằm trên võng thò chân đung đưa nhè nhẹ, miệng ầu ơ ru con ngủ. Lâu lắm rồi Hân mới có dịp nằm trên võng nơi thềm nhà mình, nhìn lên khoảng trời xanh ngăn ngắt như thời còn con gái. Những tàu lá dừa hệt cái lược khổng lồ mạnh mẽ giương thẳng ra xung quanh che chở ngọn với chi chít trái to trái nhỏ. Vậy mà những nhánh sầu đâu cũng ráng bươn bả chen vào, tạo thành những khoảng trống khiến vài chiếc lá dừa rủ xuống buồn thiu như con Mướp cụp chiếc đuôi dài ngoẵng, bị mẹ bắt tại trận khi lén lút thò tay quơ quào mấy con cá bống kho trên kệ bếp.
Ảnh minh họa
Gió từ con sông sau nhà thổi lên mát rượi. Thứ gió mang mùi ngây ngây của bùn đất hình như của cả hương hoa bần đang đung đưa ngoài xa, khiến từng lỗ chân lông như giãn ra nhẹ nhõm. Hân miên man nghĩ đến chồng, đến cơn giận đùng đùng tối qua. Kỷ niệm ngày cưới, cũng là sinh nhật Hân, chồng say bí tỉ ở phương nào, về không nói một tiếng, cũng không thèm nhớ sáng nay đưa mẹ con về ngoại như đã hứa. Cơn giận không còn chực trào ra bung bét thành thứ âm thanh khó nghe đổ vào nhau nữa, mà len lỏi như nước ngầm, thấm sâu xuống đất. Hân nghe một nỗi tủi thân tràn khắp.
Hân miên man nghĩ. Đàn bà phải trải bao nhiêu chuyện, xoa đắp vá víu cho lành bao nhiêu vết thương mới hiểu hết lòng dạ một người đàn ông? Cái cách sống tan từng giọt hơi sức dẫu là cuối cùng cho tình yêu đã bám chặt lấy bao nhiêu người để rồi quẳng họ vào cái hố sâu thăm thẳm của nỗi thất vọng? Quờ quạng bấu níu leo lên miệng hố, bước chân đi tiếp, mấy người còn là mình của ngày hôm qua?
- Ăn đi con!
Hân giật mình không biết mẹ ngồi bên cạnh lúc nào. Nhìn dĩa khoai lang như ngọc tím rịm, từng củ ú tròn no mẩy hãy còn bốc khói, lớp vỏ nứt mỏng ra đủ hiểu bên trong nhiều bột, xốp và ngọt đến thế nào. Hân nhìn mẹ, lòng cuộn lên một nỗi biết ơn và cả sự ngưỡng mộ không sao kể xiết. Kể từ ngày có Nemo, không còn nhớ bao nhiêu lần nghĩ đến mẹ là Hân nghe nỗi thương yêu sâu sắc bao phủ lấy mình. Không còn nhớ Hân tự hỏi mình bao nhiêu lần: qua bao tháng bao năm vất vả sao mẹ có thể đi qua bình an đến vậy?
***
Mặt trời thảy những tia sáng len qua từng kẽ lá, vẽ xuống nền đất những vệt dọc ngang đủ thứ hình thù lạ mắt tựa những nét nguệch ngoạc của Nemo lên tường mỗi lần vớ lấy được bất cứ cái gì có thể ra màu, kể cả cây son của mẹ.
- Khoai lang cô Sáu cho đó con. Cổ trồng.
- Cô Sáu Ý hử mẹ?
- Ừ...
- Con nhớ hồi Út còn nhỏ, cô Sáu mê nó ghê lắm. Cô ấy có khá hơn không mẹ?
- Vẫn vậy con, có phần tệ hơn vì ngày càng già. Già hay nhớ chuyện xưa mà. Âu cũng là đoạn ân tình nào đó phải trả...
Giọng mẹ thấp và nhỏ dần như thể chỉ nói cho mình nhưng vẫn đủ để Hân nghe đến hết những thanh âm cuối. Hân đã từng không tin có ai đó, khi không mắc nợ mắc nần với mình; bất thình lình rụng xuống như một trái dừa bị chuột gặm rời quày, rồi từ đó làm cho đời mình hạnh phúc hay tan hoang.
Nhà cô Sáu, nằm trên một mảnh vườn rộng lớn ngay sát chân cây cầu khỉ, ngày nào Hân cũng hai lượt đi học về. Cây cầu chỉ là một thân tầm vông tròn bằng cổ chân trẻ con. Sáng sớm hay những ngày có mưa, tựa hồ có bàn tay ai đó thoa một lớp mỡ, đặt chân lên là cứ xoay qua xoay lại như xiếc.
Vậy mà cả xóm ai cũng đi qua một cách dễ dàng, kể cả người già và con nít như Hân. Mỗi lần qua cầu, Hân nhớ mình luôn không quên gửi lại con xẻo một nụ cười tựa niềm vui chiến thắng nho nhỏ mỗi sớm mai. Chỉ có những người khách lạ là chần chừ không dám bước, là phát hiện ra cái vô lý sao không ai nghĩ cần phải làm một cái tay vịn cho chiếc cầu ấy. Còn những người thân thương với mảnh đất, với con xẻo nhỏ bằng tất cả sự quen thuộc, nào có nhận ra đâu là vô lý nữa.
Hân còn nhớ, những chiều đi học về sớm ngồi thụp xuống miếng đất nhô cao như hình chóp nón bên đây cầu, nhìn chăm chú vào mảnh vườn rộng lớn có bảy căn nhà lúp xúp nhỏ xíu của bảy anh em cô Sáu trải dài cho đến gần nhà mình, là Hân không thể không nghĩ đến ngôi nhà của các chú lùn trong truyện cổ tích.
Trong bảy căn nhà đó, căn nhà nhỏ nhất, gần nhà Hân nhất lúc nào cũng sạch tinh tươm, phía trước là dãy hoa mười giờ tim tím lúc nào cũng rực rỡ và giàn mướp với cơ man nào trái nhỏ trái to. Đó là nhà cô Sáu Ý. Cô ít nói và cũng không hay lui tới chuyện vãn gì với ai trong xóm, trừ mẹ. Nhất là kể từ dạo mẹ sinh Út. Mỗi trưa khi nghe văng vẳng tiếng mẹ hát: Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo... là cô lại qua ngồi gần mẹ, giành đưa võng cho em.
Cô không đẹp, đường nét khuôn mặt, cơ thể thô, da lại đen nhưng tóc thật dài, dày và suôn mượt. Có những chiều hanh hao nắng, Hân ngồi bên trong cửa sổ học bài, lắng nghe từng nhịp võng đều đều ngoài thềm nhà, thấy mái tóc cô mới gội hãy còn ướt bời bời theo vài cơn gió thốc bất chợt, nghe thoảng mùi hương sả, hương chanh, thấp thoáng ánh mắt hiền lành chăm chú nhìn em bé ngủ, chợt trong lòng dâng lên một niềm thân thương ruột rà với cô như mấy dì mấy cô của mình.
Những ngày hè hay chủ nhật, đôi lần ùa về sớm sau trận nhảy dây đỏ mặt tía tai với đám hàng xóm, Hân kịp thấy cô nhét cái gì đó vào tay mẹ rồi vội về, không quên vỗ nhẹ vào mông bé Út bụ bẫm nằm hếch chiếc mũi tẹt ngủ say sưa trên võng. Mãi cho đến ngày Út đã biết đi qua cây cầu khỉ để vào lớp Một, vài lần Hân vẫn thấy cô thì thầm với mẹ sau chái bếp, lại thập thò nhét vào tay mẹ gói giấy dúm dó nho nhỏ.
- Chị Ba, cho em xin lại vàng!
- Của cô gửi chị, lúc nào cần thì lấy chứ xin gì ở đây. Mà cô nghĩ kỹ chưa?
- Dạ, anh ấy mua cái ghe cũng hai cây mấy. Em tính của em cũng ba cây rồi. Dư chút đỉnh mần cái vốn mua cám gạo, khoai lang này kia ở miệt dưới đem về mình bán. Miệt quê ảnh mấy cái này rẻ.
- Cô Sáu...
- Dạ...
- Chị coi cô như em, vì cô coi chị như chị trong nhà nên mới nói, chưa cưới chưa hỏi, chú Tánh từ miệt dưới mới lên, mình cũng chưa biết gì nhiều. Biết là cháu ông Tư Hỉnh nhưng mà cái tánh cái nết tường tận chưa Sáu?
- Dạ, em mồ côi mồ cút, còn ảnh cũng một mình. Tính tình ảnh giản đơn lắm chị à. Bấy lâu nay ảnh để dành tiền để tính chuyện mần ăn. Chuyện trăm năm tình nghĩa chứ nhằm gì cái rình rang một ngày hả chị.
Hân giật nảy mình như ai nhéo ngang hông khi vô tình nghe câu chuyện giữa cô và mẹ. Lúc đó Hân đang học cấp III. Hân ngạc nhiên quá đỗi. Tự hồi nào cô Sáu Ý ăn nói trơn tru hay ho vậy? Thì ra là cô gửi vàng cho mẹ. Thì ra là cô Sáu Ý đang có tình yêu. Thì ra là cô Sáu Ý lấy lại vàng để đưa cho chú Tánh - người yêu cô...
Kể từ khi chú Tánh sắm chiếc ghe gắn một cái máy vuông vuông màu cam, có mái che khum khum bằng ngôi nhà nhỏ của cô Sáu Ý, cột ngay gốc dừa già gần cây cầu khỉ là xóm nhỏ nháo nhào. Từng cây bần, đám dừa nước, kể cả những con cá thòi lòi vô tư ngơ ngác cũng dường như bừng tỉnh vì tiếng xuồng máy theo từng con nước lớn ròng, theo từng chuyến ghe thương hồ mười ngày nửa tháng của chú Tánh. Người ta không ngớt xì xào về chú Tánh có cái đầu bảy ba lúc nào cũng láng cóng. Chú Tánh nhỏ hơn cô Sáu 7-8 tuổi. Chú Tánh cái gì cũng biết. Chú Tánh nói nghe thiệt hay, người đi đây đi đó nó khác chứ...
Cũng kể từ đó, Hân không còn thấy cô Sáu dúi vào tay mẹ những gói giấy nho nhỏ đằng sau chái bếp nữa. Cô hay cười, cô nói nhiều hơn, tóc cô hình như dài, dày và đẹp hơn thì phải. Cô vẫn qua nhà Hân, nhất là những lúc chú Tánh xuôi chuyến ghe chở đường mía, dừa sấy đi bán. Cùng với mớ khoai lang, thùng nước mắm hay là dúm khô cá sặc, hũ mắm linh của cô Sáu mang qua biếu mẹ, Hân còn nghe về những tên gọi gợi lên một vùng miền xa ngái mà không biết bao giờ mình mới có dịp đặt chân đến: Lấp Vò, Hồng Ngự, Tri Tôn, Thốt Nốt, Cái Nước, Đầm Dơi... Có lẽ trong giấc ngủ quên vào một trưa hay chiều nào đó trong thời thiếu nữ, trên cái võng nhìn trời nhìn mây, mải mê dõi theo những hình thù kỳ lạ, Hân đã từng mơ mình hóa cánh chim thiên di đi tìm gặp hoàng tử của đời mình.
***
- Chiều rồi muỗi nhiều quá. Vô nhà đi Sáu.
- Chắc hôm nay nữa anh Tánh về.
- Ừ, chú Tánh về tiếng ghe máy tạch tạch ầm con xẻo, Sáu nghe mà. Ngồi đợi cả tháng rồi!
- ...
- Đi, bầu bì...
- ...
- Chị Ba ơi, Hân ơi...
Cùng với tiếng kêu thất thanh của cô Sáu là máu. Hân chưa bao giờ thấy máu nhiều như vậy. Máu từ hai chân cô tuôn ra, giống Hân ngày có tháng, chảy tràn xuống đùi, xuống bắp chân như một con rắn nước dài. Sau này, Hân mới biết cô có thai. Và mãi khi mang Nemo trong bụng, lúc mỗi bước chân đặt xuống đất rón rén như thể sợ con rơi ra, lúc đi ra đường, hễ có tiếng còi xe ai bấm toe toe, giật mình, một cách vô thức, Hân đưa tay ôm khư khư cái bụng lùm lùm như giữ chặt lấy con. Lúc ấy, Hân mới hiểu tại sao mẹ cứ thở dài thườn thượt suốt nhiều ngày, khi cô Sáu nằm im quấn cái mền hoa đỏ trong căn buồng tối om.
Em bé không ở lại. Cô Sáu không còn nằm im trong căn buồng tối nữa. Nhưng bắt đầu từ đó, mỗi chiều nước lớn bất kể là sáng trưa tối hay hừng đông, ai có việc đi qua cây cầu khỉ, là thấy cô ngồi thu lu trên mỏm đất hình chóp nón, ngóng tiếng ghe máy từ một nơi xa.
Chú Tánh vẫn chưa trở về.
Cây cầu khỉ giờ đã thay bằng cầu bê tông, một vài lần tết có dịp về quê sớm, khi mùa gió chướng se sắt thổi, nước mấp mé thân cầu, Hân như thoáng thấy một bóng lưng gầy gò kịp quay gót khi nghe tiếng người lạ. Cái bóng lưng dúm dó như thể một miếng ni-lông ai đem hơ trên lửa biến mất sau dãy nhà ngói mới xây và tấm bảng "Bán đất mặt tiền". Quắt queo. Bóng lưng cô Sáu Ý.
Hân nhìn mái tóc trắng quá nửa của mẹ, chợt hoang mang. Có khi nào cách suy nghĩ mọi thứ đến và đi trong đời mình là có nợ có duyên đã khiến mẹ (và chắc nhiều người nữa) an lòng mà đi qua những ngày nắng ấm hay giông bão của đời mình?
- Sáu hả? Em bé nè. Đến đây!
Mẹ đưa mắt trấn an Hân.
- Em bé hả chị Ba? Em bé khoai lang hử?
- Ừ, em bé Nemo.
- Mô hả? Mô? Hay Mo? Mo cau á, hihi.
- Nê - mô Sáu à! Là tên một con cá thiệt đẹp trong phim.
- À! Lớn hơn củ khoai lang nên ở lại với mẹ. Chị Ba nói con Sáu bằng củ khoai lang thì đi về trời...
- Ừ. Đưa võng em đi. Đưa nhẹ nghen.
- Hát hôn chị Ba?
- Ừ!
- "Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Ví dầu cây cải gió đưa...".
- Cây cải gió đưa gì chị Ba?
- Gió đưa cây cải, Sáu!
- Ờ, ờ, cây cải gió đưa... Cái gì ở lại...? Củ khoai hả? Em bé bằng củ khoai thì đi, em bé lớn thì ở lại. Ví dầu ầu ơ....
Gió mơn man mát rượi. Thời gian như duỗi ra vô tận. Hân nghe được tiếng hơi thở hắt ra nặng nề cố nén của mẹ bên cạnh. Hân không biết nước mắt mình khẽ bò xuống má theo tiếng ầu ơ đứt gãy của cô Sáu từ lúc nào. Từ sau bếp vẳng đến tiếng lục bục của ấm nước đang sôi. Tiếng gió lay phần phật từng tàu lá dừa sau hè. Hân nghe như tiếng mẹ, vẳng lại từ một nơi nào đó:
"Đàn bà chín điều dại dột, cũng phải một điều khôn nghe con. Lớn rồi. Mần gì cũng nghĩ đến đứa con. Vợ chồng như chén trong sóng... Một đứa con - với đàn bà là cả một cuộc đời".