Tình yêu không cứ thế mà vững bền, ngược lại luôn đòi hỏi được vun vén đúng cách - Ảnh minh họa: M.T.
Nhưng cũng chính người trong cuộc nào ngờ có khi tổ ấm lâm vào cảnh rạn nứt, thậm chí tan vỡ, không phải vì thăng trầm từ bên ngoài mà lại từ sóng gió trong nhà!
Yêu nhau không phải là sự hưởng thụ mà không bỏ bao công sức. Yêu là một nghệ thuật, cần có tri thức và sự nỗ lực.
ERICH FROMM (Nhà tâm lý xã hội học nổi tiếng người Đức)
Chúng tôi vẫn nhắc về một câu chuyện chia tay "y như phim" của một cặp đôi cũng vì cái tính "đứng núi này trông núi nọ" của anh chồng.
Vợ người, vợ nhà!
Cặp vợ chồng này cưới nhau được 2 năm nhưng không có con. Sau khi mẹ chồng thúc giục, dù rất ngại nhưng người chồng cũng đưa vợ đi viện khám, kết quả là người vợ không có khả năng làm mẹ. Kể từ đó, anh chồng vì lý do của vợ mà đâm ra đổ đốn.
Mỗi khi ở nhà hay ra đường, anh chồng luôn trách phận mình bất hạnh với mọi người, cũng như sẵn sàng khen ngợi vợ... người ta. Không ít lần những lời nói đó của anh chồng cứ sang sảng lúc vợ mình - cũng là nhân viên của anh - đang có mặt cùng với đông người.
Chỉ một năm sau, vì cuộc sống quá ngột ngạt với chồng và mẹ chồng, cô vợ trẻ quyết chia tay. Nhưng ngay khi mọi thủ tục đã xong, người vợ mới nói thật, chính anh chồng mới là người vô sinh chứ không phải vợ. Vì cho rằng chồng là người tiếng tăm trong xã hội, nên để giữ mặt chồng, người vợ đã nhận mình bị vô sinh rồi tìm cách cùng chồng tính sau. Người vợ trẻ này chỉ không ngờ, chỉ vì mình chưa kịp thổ lộ vấn đề sinh con mà chồng sẵn sàng hành xử kiểu "núi này, núi nọ" nhanh như vậy, nên người vợ quyết "cho lão biết mặt"!
Dù ít căng thẳng như câu chuyện trên nhưng thực tế tâm lý kiểu "trông người ta phát ham" lại biểu hiện hầu như trong nhiều tổ ấm với nhiều kiểu cách khác nhau. Đó có thể là người vợ sẵn sàng "phang" vào mặt chồng mình những lời ta thán kiểu "nhìn chồng người ta phát ham", hay một người chồng nào đó cũng sẵn sàng thở dài mà "tặng" vợ mình những câu như "nhìn vợ người ta thì... còn vợ mình sao mà chán!"...
Thậm chí trong gia đình, ngay cả con trẻ hay ông bà cũng bị lôi vào vòng xoáy của tâm lý "đứng núi này trông núi nọ". Đó có thể là lời trách con theo dạng "Con người ta giỏi giang thế kia, còn con sao lại...", hay đại loại "vì thế này, thế kia nên tụi con để con cái sống ở đây, chứ để bên nội/ngoại biết đâu lại tốt hơn"...
Lỗ nhỏ mà đắm cả thuyền
Tâm lý so sánh, phân biệt, kiểu "núi này, núi nọ" như trên của bất cứ ai, trong bất cứ gia đình nào, thi thoảng nếu là lời trêu đùa đáng yêu có thể không gây những tổn thương cho nhau. Tuy nhiên, nếu những suy nghĩ, những tâm trạng như trên cứ triền miên "oanh tạc" mà bất chấp cảm giác của người còn lại, nó lại là những lỗ nhỏ, dần dần có thể làm đắm cả hai tiếng gia đình.
Không ai thích mình bị chê, nhất là khi bị "nửa kia" chê bằng cách so sánh mình với một đối tượng khác. Hàng loạt câu chuyện tan vỡ của nhiều gia đình được phản ảnh qua các phương tiện thông tin, đa phần đều có ít nhiều điểm chung khởi phát từ tâm lý phân biệt này của người trong cuộc.
Không thể tự nhiên hình thành nên một gia đình hạnh phúc nếu ai đó không nắm được "nghệ thuật" của sự khích lệ, cũng như không luôn quyết tâm nỗ lực cải thiện mình vì những người trong gia đình. Và sự khích lệ sẽ không phải là "núi này, núi nọ" khi mang đến niềm vui đủ sức khiến đối phương nỗ lực để đạt được thành tựu, chứ không phải là điều ngược lại.