Chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm mục đích đánh giá bước đầu triển khai nội dung giáo dục STEM cấp tiểu học.
Tạo cơ hội để các trường được giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức, sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục STEM cũng như tạo sân chơi bổ ích về STEM - Robotics cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học, bên cạnh việc đánh giá, rút kinh nghiệm để đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn được cung cấp thêm kiến thức về việc triển khai giáo dục STEM trong nhà trường tiểu học thông qua báo cáo tham luận từ các chuyên gia hàng đầu.
Tại ngày hội STEM, học sinh và giáo viên đến từ các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã tham gia tranh tài trong hai phần thi thú vị và gay cấn là "trưng bày mô hình trường học thông minh" và "đấu trường robot".
Thông qua các hoạt động của ngày hội, học sinh Cần Thơ đã có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với ngôn ngữ lập trình, tự động hóa và robotics. Qua đó rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề và tạo ra các sản phẩm, dự án có tính ứng dụng cao.
Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ cho biết: "Trong những năm học vừa qua, hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học là một trong những nội dung luôn được đẩy mạnh triển khai tại thành phố Cần Thơ và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, nhưng tôi đánh giá rất cao các dự án STEM được trưng bày trong ngày hội hôm nay, nhiều dự án có tính ứng dụng cao và thể hiện tinh thần sáng tạo của các em học sinh".
Kết quả chung cuộc, đội thi đến từ trường tiểu học Võ Trường Toản đã xuất sắc giành giải Nhất phần thi "Trường học thông minh". Bên cạnh đó, tại phần thi "Đấu trường Robot, giải Nhất được trao cho đội thi đến từ trường tiểu học Phú Thứ 2 với điểm số ấn tượng.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng.
Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học.
Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra với tinh thần sáng tạo.
(theo GS-TS Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên chương trình môn toán).