Tham gia một số hội nhóm của chị em trên mạng xã hội, tôi mới thấy rất nhiều người có tâm lý thủ về tài chính trong hôn nhân.
Khi một thành viên group nọ đặt câu hỏi: "Các chị có bao nhiêu trong tài khoản riêng?", có đến hàng trăm bình luận xác nhận số tiền từ vài chục triệu đồng lên đến tiền tỷ. Tất nhiên người bạn đời của họ không hề hay biết về số tiền đó.
Tôi tự hỏi, nếu chồng họ phát hiện vợ có "quỹ đen" thì sẽ phản ứng như thế nào. Mỗi người đều có lý do riêng để thủ nhưng nếu thủ bất chấp, sẽ gây mất lòng tin của người bạn đời, đổ vỡ hạnh phúc.
Đừng để việc thủ gây ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng (Ảnh minh họa)
Tôi từng chứng kiến cảnh vợ chồng anh trai xào xáo nhau vì chị dâu có "quỹ đen". Sau bao nhiêu dàn xếp, vợ chồng mới hàn gắn được nhưng niềm tin không còn. Trong khi anh trai tôi vất vả kiếm tiền để trang trải cho gia đình, trả nợ tiền mua đất làm nhà, chị dâu vẫn ung dung tích lũy riêng để đề phòng bất trắc.
Xấp sổ tiết kiệm gần chục cuốn được chị giấu kỹ dưới đáy tủ bị chồng phát hiện đã châm ngòi cho mọi mâu thuẫn. Đành rằng chị dâu lo xa, nhưng mặc chồng gồng gánh lãi ngân hàng mỗi tháng, chi tiêu thiếu thốn chị vẫn cất tiền riêng thì còn gì là gia đình.
Tôi nghĩ, chuyện thủ hay không thủ phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình chứ không nên "thủ bất chấp". Nhiều chị em xem việc thủ là cách để tránh những tổn thương không đáng có cho phụ nữ. Bởi trong nhiều trường hợp, khi đã hết yêu thương người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để giành giật đến đồng xu với người đã từng đầu gối tay ấp.
Thủ sao cho đúng để đừng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình cũng là điều đáng bàn. Nếu vợ chồng sống với nhau mà trong tư tưởng đã có ý định vun vén cho riêng mình thì hôn nhân khó bền vững. Chị em chỉ nên xem việc thủ như một cách phòng hờ bất trắc chứ không thể lấy nó làm mục đích sống.
Phụ nữ nên có một khoản tiền riêng để đề phòng bất trắc (Ảnh minh họa)
Chị đồng nghiệp của tôi có cách thủ rất... công khai. Sau khi cưới, vợ chồng chị được nhà chồng cho một mảnh đất nhưng không sang tên sổ đỏ. Khi có dự định xây nhà trên mảnh đất đó, chị nhất quyết đòi sang tên hoặc bán đi để mua chỗ khác đứng tên hai vợ chồng.
Hàng tháng, tiền lương của hai vợ chồng nộp vào tài khoản chung, sau khi trừ nợ ngân hàng, phần còn lại dùng để chi tiêu cho cả nhà. Tiền làm thêm hay các khoản thu nhập ngoài, hai vợ chồng tùy ý sử dụng. Chị quan niệm, vợ chồng phải đóng góp vun đắp như nhau chứ không thể một mình ôm đồm để rồi khi xảy ra chuyện lại gánh chịu thiệt thòi.
Theo chị, phụ nữ cũng nên có một khoản tiền riêng để khi người thân cần giúp đỡ hay muốn mua món đồ mình thích đều có thể tự chi tiêu mà không cần phiền đến chồng. Nếu có điều kiện, tiết kiệm tích lũy được càng tốt.
"Số tiền đó không phải để lo cho riêng mình mà chỉ phòng khi bất trắc còn có vốn phòng thân và lo cho con. Nếu bình yên, sau này con cái lập gia đình, chị cho con ít vốn. Gọi là "thủ" nhưng chồng có biết cũng chẳng phiền lòng", chị nói.