Cũng giống như da mặt, bờ môi quyến rũ cần được chăm sóc kĩ càng
Môi đen, khô do đâu?
Theo các chuyên gia, môi bị thâm hay thay đổi màu, trở nên sẫm đi là biểu hiện của các tế bào melanocytes bị tổn thương, kích thích hắc tố melanin tăng tiết quá nhiều khiến môi không còn hồng hào mà trở nên thâm đem và kém mịn màng.
Ngoài ra nicotine trong thuốc lá cũng khiến môi biến màu và thâm dần; caffeine trong cà phê cũng khiến môi thay đổi màu sắc. Các nhà khoa học đã chứng minh việc ngậm môi hoặc cắn môi cũng làm môi khô, dễ thâm hơn. Chế độ ăn uống thiếu vitamin C, tiếp xúc với ánh nắng kéo dài, mất nước, son môi chứa chì hoặc chất nhuộm… cũng là yếu tố khiến môi thâm.
Cải thiện thâm môi
Theo chuyên gia trang điểm Lâm Thoại Khanh - giảng viên Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng - một trong những cách cải thiện thâm môi là tẩy tế bào chết cho môi. Môi cũng như da, cũng cần phải tẩy tế bào chết. Có thể dùng một bàn chải đánh răng lông mềm, thấm nước ấm rồi chậm rãi, nhẹ nhàng chà lên môi trong khoảng mười phút.
Bạn cũng có thể dùng đường mịn (loại đã xay nhuyễn), thêm một ít nước vào và chà lên môi. Hoặc có thể nhúng bàn chải mềm vào đường mịn và chà lên môi, sau đó rửa lại bằng nước ấm.
Một cách tẩy tế bào chết khác là trộn một muỗng cà phê đường, một muỗng cà phê nước cốt chanh với một muỗng cà phê mật ong; bôi hỗn hợp này lên môi, để trong mười phút rồi chà nhẹ. Môi bạn sẽ sáng lên trông thấy.
Cần phải thoa kem dưỡng ẩm cho môi trước khi đi ngủ và cả thoa kem chống nắng vì môi dễ cháy nắng hơn cả da. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ung thư môi chiếm 50% trong các bệnh ung thư miệng. Cần lưu ý là không được sử dụng kem chống nắng của da cho môi vì có thể gây hại cho sức khỏe nếu vô tình nuốt phải. Tốt nhất là dùng son dưỡng môi SPF 30.
Một số cách dưỡng môi
Mật ong: Thoa mật ong lên môi hằng ngày, để trong 15 phút rồi rửa sạch. Mật ong có đặc tính chống khuẩn và chống nấm, có thể điều trị dị ứng ở môi, độ ẩm có trong mật ong sẽ giữ môi mềm mại và bóng đẹp. Có thể đắp lô hội lên môi để diệt khuẩn và tái tạo da.
Dầu ô liu: Dầu ô liu rất giàu vitamin E và chất chống oxy hóa, trước khi đi ngủ thoa một ít dầu ô liu lên môi và để qua đêm. Rửa lại bằng nước lạnh vào buổi sáng.
Nước cốt chanh: Nước chanh cũng rất tốt cho môi. Thoa nước chanh lên môi rồi để trong năm phút. Nước chanh giúp loại bỏ vết thâm, làm sáng đôi môi.
Nước ép trái cây: Nước ép củ dền, nước ép cà rốt, nước ép lựu, nước ép cánh hoa hồng… rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa, rất hiệu quả trong việc nuôi dưỡng làn môi xinh đẹp. Đặc biệt nước ép hoa hồng còn làm ẩm môi. Trước khi đi ngủ, thoa lên môi một lớp nước để làm mềm môi.
Vỏ cam: Vỏ cam có thể rất hữu ích trong việc chữa trị đôi môi trông xỉn màu, thâm. Lấy vỏ cam chà lên môi trong một hoặc hai phút, môi sẽ sáng màu hơn.
Kem sữa: Đun sôi sữa tươi, để nguội rồi vớt phần váng nổi lên trên thoa lên môi sẽ giúp làn môi luôn mềm mại, mịn màng.
Trong trường hợp bị bỏng nắng hay đôi môi nứt nẻ, đau rát có thể đắp dưa leo lát trong 15 phút, thực hiện ba lần một ngày.