Trong cuộc trò chuyện livestream với khán giả tối 9.5, Trấn Thành cho biết anh không thể tham gia hai gameshow: Running Man mùa 2 và Thách thức danh hài mùa 7 vì lý do sức khỏe và bận triển khai bộ phim điện ảnh thứ hai. Trước đó vài ngày, Hari Won cũng khiến người hâm mộ lo lắng khi tiết lộ trên mạng xã hội, Trấn Thành chồng cô gặp ác mộng nên đã có những hành động vô thức làm vợ bị thương. "Không biết ác mộng gì nhưng tui thấy ổng ác mộng thêm lần nữa là... sinh mạng tui chắc không còn quá!", Hari Won dí dỏm.
"Ngày còn trẻ cứ ỷ mình khỏe"
Theo lời Trấn Thành, dạo này anh phải dành thời gian để làm nhiều việc. Bên cạnh tham gia Rap Việt mùa 2, bộ phim thứ hai do anh làm đạo diễn và diễn viên cũng sắp bấm máy. "Năm nay như Trấn Thành đã nói, sẽ hạn chế làm việc lại, phải nghỉ ngơi. Tham gia show chọn lọc hơn để sự xuất hiện đặc biệt hơn. Làm việc nhiều quá nên bác sĩ đã báo động sức khỏe của Thành bị lao lực. Nhiều việc cùng lúc thì mình phải ưu tiên việc nào cảm thấy thích hơn và đỡ cảm giác lao lực. Ngày đứng quay mấy tiếng đồng hồ, về là Thành rất khó ngủ, vai, tay đau hết, chân giãn tĩnh mạch luôn…", Trấn Thành bộc bạch.
"Làm việc nhiều quá nên bác sĩ đã báo động sức khỏe của Thành bị lao lực". Ảnh: Đông Tây
Trấn Thành cho biết ngày còn trẻ anh ỷ mình có sức khỏe nên "bào" show, quay chương trình rất nhiều. "Ngày xưa Trấn Thành thức ba đêm liền không sao, còn bây giờ thức một đêm thôi, qua ngày mai đi quay là không mở mắt dậy nổi. Bữa đó đầu chóng mặt bưng bưng. Show nào nói quá nhiều giờ phải bớt lại, càng nói nó hư dây thanh, riết không nói được. Cứ lên độ tuổi hàng ba thì sức khỏe xuống cấp hú hồn!
Quý vị cũng phải để ý sức khỏe của mình, thấy khỏe vậy chớ tới một ngày nào đó tự nhiên nó sụm xuống mình không biết, là tại vì trước đó cái cảm giác hăng say làm việc đã đánh lừa cơ thể mình nên mình nghĩ ổn nhưng thật sự mình đang chịu đựng. Về sau khi tuổi lớn hơn, mình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều…", Trấn Thành bày tỏ.
Lao lực là bệnh suy nhược cơ thể
Theo các bác sĩ, "lao lực" là thuật ngữ hay dùng trong chẩn đoán bệnh của Đông y. Trong Tây y, lao lực được xem là tình trạng suy nhược cơ thể, không phải lao phổi hay tổn thương thận. ThS-BS. Nguyễn Ngọc Quang (chuyên gia khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), cho biết suy nhược cơ thể là tình trạng bệnh lý kéo dài và chỉ ra cho mọi người biết khả năng hồi phục của cơ thể đã bị quá tải, nguồn lực không được quản lý một cách thích hợp.
Có thể chia thành hai nhóm: suy nhược thực thể (chiếm 45%) và suy nhược chức năng (chiếm 55%). Bệnh thường liên quan với tình trạng stress, kiệt sức, các bệnh lý tâm lý do căng thẳng thần kinh...
Nguyên nhân suy nhược cơ thể thường gặp nhất là do các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh… Đây cũng là một trong những dạng suy nhược khó trị nhất, kèm theo các bệnh cảnh phức tạp. Tiếp theo là suy nhược do lao lực, hoạt động quá mức trong xã hội, có nhiều stress - dễ thấy ở người lao động trí óc, làm việc với máy tính hay áp lực học quá tải... Đối với suy nhược thực thể, phổ biến hay gặp là sau nhiễm trùng, phẫu thuật. Còn suy nhược phản ứng lại thường thấy sau một biến cố gây bất ổn tâm lý như mất người thân, ly dị, thất nghiệp, mâu thuẫn với đồng nghiệp…
Suy nhược cơ thể nếu không khắc phục kịp thời, bệnh có thể nặng và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người khác, kèm theo ác mộng về đêm khiến người bệnh không thể ngủ hoặc khó ngủ...
Theo BS-CK1. Nguyễn Hồng Phúc (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc), suy nhược cơ thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nam và nữ, trong đó độ tuổi 20 - 40 có nguy cơ cao nhất. Tình trạng thiếu máu thiếu sắt, hạ đường huyết, nhiễm trùng toàn thân, tăng bạch cầu đơn nhân, suy giảm miễn dịch, thay đổi nồng độ hormone của vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, huyết áp thấp… cũng khiến cơ thể suy nhược. Ngoài ra, suy nhược cơ thể cũng có thể không đo lường được như do nhiễm virus, viêm khớp dạng thấp hay Lupus. Một số người lao động quá sức, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật, sinh đẻ... cũng dễ mắc bệnh này.
Trong thực tế, đa số trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng hay từ căn bệnh cụ thể nào. "Suy nhược cơ thể nếu không khắc phục kịp thời, bệnh có thể nặng và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người khác, kèm theo ác mộng về đêm khiến người bệnh không thể ngủ hoặc khó ngủ. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy như tư duy kém, khó tập trung, hay quên, phản xạ thần kinh chậm lại, cử chỉ hành vi đôi khi không chính xác…", BS. Phúc nói.
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể suy nhược
Theo BS. Quang, có thể nhận diện suy nhược cơ thể qua một số triệu chứng: rối loạn lo âu với cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan, mệt mỏi, uể oải, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao tái nhợt, đôi khi ngất xỉu. Có cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng, sụt cân. Hay gặp nhất là rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, đôi khi có ác mộng. Có hiện tượng mỏi cơ như đau nhức cơ, chuột rút, đau lưng, mệt mỏi khi vận động. Thường thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, sợ ánh sáng.
Trấn Thành trong phim 'Bố già'. Ảnh: TL
Ở những bệnh nhân có bệnh lý tâm thần, các triệu chứng chính là rối loạn trí tuệ như kém minh mẫn khi học, giảm trí nhớ, khó tập trung khi làm việc. Rối loạn cảm xúc như bực tức, nóng nảy, đôi khi quá nhạy cảm, dễ kích động. Bệnh nhân thường mất nghị lực, mất cảm giác thích thú, thụ động, thiếu sức sống. Có hiện tượng rối loạn tình dục với những triệu chứng mất khoái cảm ở nữ và xuất tinh sớm, bất lực ở nam…
BS. Phúc cho biết, những người bị suy nhược cơ thể sẽ được bác sĩ cho thuốc và tư vấn một số hướng điều trị tích cực, đó là điều trị theo chương trình thể dục đặc biệt và điều trị hành vi để giúp người bệnh giảm triệu chứng suy nhược cơ thể. Người bệnh cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong quá trình điều trị. Không tạo áp lực cho bản thân, ngủ sớm, đủ giấc (khoảng 7 tiếng một đêm) và ngủ sâu. Làm những công việc quan trọng nhất vào buổi sáng khi sức lực còn nhiều. Nhờ sự giúp đỡ ở nhà và nơi làm việc khi vượt quá sức. Nghỉ ngơi trong ngày bằng cách đi bộ hoặc thư giãn. Tham gia hội nhóm, trò chuyện với người có vấn đề tương tự để cùng nhau giúp đỡ…
Làm sao tránh lao lực?
Để phòng ngừa suy nhược cơ thể, BS. Quang lưu ý mọi người, những lúc phải làm việc với cường độ cao, cần sự tập trung hoặc lao động trí óc, đi công tác xa, giờ giấc thất thường... nên có chế độ nghỉ ngơi, học và làm việc hợp lý, nhất là đảm bảo giấc ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ. Tránh những stress đưa đến thường xuyên, nên nghỉ cuối tuần, đi dã ngoại, đi bộ hằng ngày buổi tối và sáng sớm. Thư giãn, tập thở là phương cách tốt giúp cơ thể điều chỉnh nhịp thở. Bỏ các thói quen xấu như bia rượu, thuốc lá...
"Đối với các rối loạn trầm cảm, lo âu và rối loạn thần kinh thì phải dùng các thuốc chống trầm cảm, lo âu. Việc điều trị phải liên tục và kéo dài trung bình sáu tháng đến hai năm và có bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý, nội thần kinh theo dõi", BS. Quang lưu ý.
BS. Phúc khuyến nghị mọi người có chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ. Nên đi bác sĩ khám nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc thay đổi nào của cơ thể. "Điều này giúp bác sĩ xác định và điều trị sớm những vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tình trạng suy nhược tiến triển", BS. Phúc nhấn mạnh.