Vợ đặt trước mặt tôi xấp tiền rồi nhỏ nhẹ: "Chỗ này cũng không được nhiều. Anh xem anh em nhân viên, ai khó khăn thì tạm ứng trước cho họ rồi mình tính tiếp". Tôi sửng sốt nhìn vợ: "Tiền này em lấy đâu ra?". Vợ cười: "Anh không biết em có quỹ đen à?".
Thực tình là tôi không biết và cũng chẳng bao giờ nghĩ vợ tôi có quỹ đen.
Trong nhà, tài chính chủ yếu do tôi quản lý. Việc này, chính vợ đề xuất vì tôi thông thạo tiền nong hơn. Tiền tôi kiếm được từ công việc kinh doanh để sắm sửa, lo liệu những việc lớn và đầu tư xoay vòng.
Hằng tháng, tôi chuyển cho vợ số tiền đủ để chi tiêu trong nhà. Lương vợ thì tôi không tính đến, vì mỗi tháng chưa đầy 5 triệu đồng. Công việc văn thư của vợ phải đi sớm về muộn. Có hôm ngày nghỉ, đang cơm nước cho chồng con, vợ tôi cũng bị gọi đến cơ quan đóng dấu.
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Hồi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng, con bé thiếu tháng nên nhẹ cân và hay quấy. Có đêm, con bé cứ đòi bế trên tay mới ngủ, đặt xuống là tỉnh và khóc toáng lên. Tôi thì công việc lu bù, bà nội, bà ngoại đều già yếu không ai đỡ đần được.
Vợ tôi thức đêm hôm chăm con, người gầy rộc, phờ phạc. Hết thời gian thai sản, tôi muốn vợ xin nghỉ vài tháng không lương để chăm con và dưỡng sức nhưng không được. Bí bách, tôi bàn với vợ để cô ấy bỏ việc, chờ con lớn tìm việc khác hoặc về giúp tôi công việc kinh doanh, nhưng vợ tôi không nghe.
Tôi nhờ cả bạn bè của vợ tôi thuyết phục, nhưng vợ tôi quả quyết: "Em sẽ không nghỉ việc đâu. Còn chuyện chăm con, em sẽ thu xếp ổn thỏa".
Vợ tôi nhờ một người họ hàng thân tín dưới quê lên trông con rồi đi làm. Tôi bực nhưng đành chịu. Biết vợ lương thấp nên hằng tháng tôi chủ động đưa tiền cho vợ. Vợ tôi không khi nào hỏi thêm cũng chẳng kiểm tra điện thoại, tài khoản của chồng. Có chăng khi họ hàng hỏi vay mượn thì vợ nhắc: "Anh xem nhà mình còn tiền không, cho họ mượn".
Công việc kinh doanh của tôi đang thuận lợi thì dịch COVID-19 xuất hiện và kéo dài. Toàn bộ hệ thống cửa hàng phải đóng cửa, nhân viên chẳng còn việc để làm, người về quê, người cầm cự ở lại. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng hằng tháng và các khoản chi phí khác vẫn đổ lên đầu tôi.
Trước đó, tôi dùng khoản tiền dự phòng đầu tư mua mấy lô đất và chưa kịp bán. Lương nhân viên đã giảm đi một nửa nhưng tôi cũng không đủ chi trả, càng chẳng nỡ sa thải họ lúc này, vì họ đều đang làm việc tốt và đã đồng cam cộng khổ với mình từ những ngày đầu khó khăn.
Mấy tháng vừa rồi, tiền tôi đưa cho vợ ít hơn. Chẳng muốn vợ nghĩ ngợi nhiều nên tôi bịa ra lý do: "Anh còn vướng mấy hợp đồng chưa kịp thanh toán, em cứ tiêu đi rồi lúc nào hết báo anh".
Vợ tôi vẫn thu vén chu toàn mọi việc, không một lời kêu ca, phàn nàn. Các bữa ăn dẫu không phong phú như trước nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng. Nhiều khi nằm bên cạnh vợ, với những lo toan ngổn ngang trong lòng, tôi phải cố nén tiếng thở dài.
Hôm rồi, vài cậu nhân viên nhắn tin cho tôi hỏi lương. Vài người khác lại đăng lên mạng xã hội những bức ảnh kèm dòng status than thở, tôi xem mà lòng cộm lên băn khoăn, nhưng chưa nghĩ ra cách để xoay xở. Vợ tôi tình cờ đọc được, đêm đó cả hai trằn trọc.
Bị tôi căn vặn về khoản tiền vợ đưa để trả lương cho anh em, vợ tôi thú thật: "Thì trước giờ em chỉ tiêu tiền anh đưa thôi, còn tiền lương của em, em không đụng đến. Tết nhất em cũng có tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các ngày lễ, ngày kỷ niệm, anh chuyển tiền bảo em tự mua quà, em chỉ mua một nửa thôi, rồi tiền mừng tuổi của con… em cho tất vào cái "quỹ đen" để dành có lúc dùng đến".
Ngày tôi lấy vợ, mẹ tôi đã khuyên: "Chồng là cái giỏ, vợ là cái hom", hơn 40 tuổi đời tôi mới thấm thía. Nghĩ lại những lúc bực lên, tôi đã quát vợ vì lương thấp mà vẫn cố đi làm, cũng có lúc ngầm so sánh lương vợ không bằng lương một công nhân…
Vợ dường như hiểu được bối rối của tôi, nắm tay tôi động viên: "Anh nhớ ngày mình mới lấy nhau không, vất vả hơn bây giờ rất nhiều. Khó khăn nào rồi cũng qua cả anh ạ, chỉ cần vợ chồng mình đồng sức, đồng lòng, đừng mất đoàn kết là được".