Các chuyên gia nhãn khoa và nhi đồng học Anh Quốc đã cùng phối hợp để dựng nên những hình ảnh về thị lực của bé qua từng giai đoạn trong 12 tháng đầu đời. Thật thú vị khi chúng ta có thể nhìn đời qua đôi mắt của bé yêu qua các bức ảnh trong bài này.
Khi mới sinh
Sau khi lọt lòng, lúc bé mở mắt nhìn đời thì sự phát triển thị lực bắt đầu hoạt động ngay. Thị lực của bé rất tệ, chỉ đạt 20/400. Mọi vật bé nhìn thấy rất lờ mờ, não chưa phát triển nên không xử lý được thông tin về màu sắc cũng như về những thứ bé nhìn thấy. Khi bé chăm chú nhìn vào một vài vật gì đó, bé không thể phân biệt được những vật khác nhau hoặc không di chuyển được ánh mắt nhìn từ vật này sang vật kia. Bé cũng chỉ có thể tập trung tầm nhìn vào những vật trong khoảng cách từ 20 – 25cm trở lại. Cái mà bé nhìn thấy thường xuyên và làm bé thích thú nhất chính là khuôn mặt của bố mẹ. Bởi thế, bố mẹ nên để bé thường xuyên nhìn thấy mặt mình trong khoảng cách đó. Bé rất thích nhìn chăm chú vào mắt bố mẹ, nên hãy chơi đùa với bé bằng cách vừa nhìn vào mắt bé vừa chầm chậm xoay đầu mình từ bên này sang bên kia.
Trong tháng đầu đời, đôi mắt bé chưa phối hợp tốt với nhau, do đó, có khi 2 mắt không cùng nhìn về một hướng, trông như bé bị lé (lác) mắt vậy.
Tháng thứ 2 và 3
Vào tháng thứ 2, mắt bé sẽ phối hợp cùng nhau tốt hơn, chúng sẽ có thể tập trung ánh nhìn vào khuôn mặt của bố hay mẹ hoặc một ai đó gần bên. Do các tế bào hình nón của mắt chưa phát triển nhiều và não chưa xử lý tốt thông tin, nên bé gặp khó khăn khi phân biệt những màu có phần tương đồng như đỏ và cam. Do đó, mới đầu bé chỉ thích nhìn màu trắng và đen hay những gì có chi tiết tương phản nhau. Bé sẽ dần dần có khuynh hướng thích những màu sắc rực rỡ và những vật có chi tiết phức tạp hơn. Bố mẹ nên cho bé xem nhiều tranh vẽ, ảnh chụp. sách có nhiều tranh ảnh màu và đồ chơi.
Đến tháng thứ 3, đôi mắt bé đã có thể di chuyển nhìn theo một vật gì đó. Não bé đang học cách phân biệt màu sắc. Bé có thể nhận dạng một số chi tiết như mắt, miệng trên khuôn mặt của bố mẹ.
Tháng thứ 4
Thị lực của bé đã tốt hơn và bé dần phát triển nhận thức về chiều sâu của vật thể và không gian. Trước đó, bé gặp khó khăn khi nhận định vị trí, hình dáng và kích cỡ một vật gì đó khi bé muốn vươn tay ra sờ nó. Lúc này thì bé đã phát triển kỹ năng vận động và não đã có thể điều phối các cử động của tay để thực hiện ý muốn của bé. Bố mẹ nên giúp bé phát triển các kỹ năng bằng cách đưa cho bé những món đồ chơi dễ cầm nắm, bằng không là bé sẽ túm những thứ trong tầm với như tóc, mắt kính hay nữ trang của bố mẹ đấy.
Tháng thứ 5 đến thứ 7
Lúc này, bé đã kiểm soát tốt hơn sự phối hợp của đôi mắt và sự dịch chuyển mắt-cơ thể. Bé đã có thể nhận thức được chiều sâu của vật thể, nói cách khác là nhận thức được 3 chiều không gian của mọi vật. Bé đã có thể nhìn thấy những vật nhỏ, thậm chí có thể nhận ra một vật quen thuộc dù chỉ nhìn thấy một phần của nó. Bé đã bắt đầu hiểu biết về sự tồn tại cố định của một vật thể (biết là một vật hiện hữu và tồn tại mặc dù bé không nhìn thấy nó). Đó là lý do tại sao bé thích chơi ú òa với bố mẹ.
Tháng thứ 8
Bé đã bắt đầu biết bò trườn, giúp cho việc phối hợp mắt-tay-chân-cơ thể tốt hơn. Trẻ biết đi sớm vào độ tuổi này, thường ít chịu bò trườn, thì sự phối hợp trên không tốt bằng các bé chưa biết đi và vẫn còn bò trườn nhiều.
Từ 9 đến 12 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, bé sẽ tự đứng lên bằng cách bíu vào vật gì đó. Bé đã có thể ước lượng khá chính xác vị trí và khoảng cách của các vật, nên có thể đưa tay lấy và cầm nắm đồ vật một cách chủ động. Dù bé ưa tập trung nhìn vào những vật gần bên, nhưng bé đã có thể nhận biết người ta và các đồ vật trong phòng.
Đến 12 tháng tuổi, phần lớn các trẻ đều biết bò trườn cả và bắt đầu tự tập đi, cha mẹ nên khuyến khích bé bò trườn nhiều hơn là tập đi, vì bò trườn sẽ giúp chúng phát triển tốt kỹ năng phối hợp mắt và tay. Bé đã có thể ước đoán khoảng cách tương đối chính xác.
Đến 2 tuổi
Đến 2 tuổi thì trẻ đã hình thành được sự phối hợp tốt giữa mắt và tay, cũng như nhận thức được chiều sâu các vật thể. Thị lực bé đã phát triển hoàn thiện tương tự như người lớn nên chúng rất tò mò khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách nhìn và nghe. Chúng có thể nhận ra đồ vật thường thấy và những hình ảnh quen thuộc trong sách, ảnh chụp, và có thể vẽ nguệch ngoạc bằng bút sáp.
Một số điều bố mẹ cần lưu ý
Nên định kỳ đưa bé đi khám mắt để kiểm tra xem có gì bất thường trong sự phát triển của đôi mắt bé hay không. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu trong gia đình bố hay mẹ trước đây có tiền sử các bệnh, tật về mắt nhất là phát bệnh trong giai đoạn còn bé.
Một số triệu chứng bất thường ở mắt bé mà bố mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay:
• Khi bé đã 3 – 4 tháng tuổi mà bé không đưa cả 2 mắt nhìn theo một vật gì đó, ví dụ như khuôn mặt bố, mẹ hay đồ chơi.
• Bé gặp khó khăn khi di chuyển một hoặc cả hai mắt về các hướng khác nhau
• Hai mắt bé bị thường xuyên bị lé hoặc có một mắt nhìn ngược hướng nhau (Lưu ý là lúc bé mới sinh thì do chưa chưa có sự đồng bộ giữa 2 mắt nên hiện tượng này là bình thường)
• Một trong hai đồng tử (con ngươi) của mắt bé có màu trắng
• Mắt bé bị khô và rất nhạy cảm với ánh sáng.