Nỗ lực phục dựng giống kiến trúc ban đầu
Tướng phụ trách dự án khổng lồ này Jean-Louis Georgelin cho biết ngọn tháp mang tính biểu tượng của nhà thờ sẽ dần được hoàn thiện trong năm nay và đánh dấu sự hồi sinh của công trình nổi tiếng của nước Pháp.
Ông Jean-Louis Georgelin thông tin với hãng AP: "Theo tôi, sự xuất hiện trở lại của ngọn tháp giữa thành phố Paris rất giàu tính biểu tượng. Điều này cho thấy chúng ta đang chiến thắng trong trận chiến phục dựng nhà thờ Đức Bà".
Sau hơn 2 năm tái cấu trúc nền móng và các khu vực cơ bản để đảm bảo an toàn cho các nghệ nhân làm việc, quá trình phục hồi diện mạo cho tòa tháp theo kiến trúc cũ của kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc đã được bắt đầu vào năm ngoái.
Ông Georgelin cho biết mỗi ngày ở thủ đô Paris và trên khắp nước Pháp có khoảng 1.000 người tham gia vào công việc xây dựng lại nhà thờ Đức Bà. Ông nói: "Thử thách lớn nhất là tuân thủ chính xác kế hoạch mỗi ngày mà chúng tôi đã đưa ra. Mọi việc phải đúng tiến độ như thế."
Philippe Jost, Giám đốc điều hành cơ quan giám sát việc tái thiết nhà thờ, cũng khẳng định rằng quá trình xây dựng lại "sẽ trung thành với kiến trúc ban đầu". "Chúng tôi đang tập trung vào những hạng mục bị thiệt hại trong vụ cháy và cũng đang bám sát vào vật liệu và phương pháp xây dựng của thời trung cổ", ông Jost cho hay.
Ông Jost cũng thông tin thêm: "Chúng tôi không làm những hầm bê tông có bề ngoài giả đá mà chúng tôi xây dựng những hầm bằng đá thật và tái hiện diện mạo như chúng vốn có từ thời Trung cổ. Ông cho biết khung mái cũng sẽ được làm từ gỗ sồi như kiến trúc ban đầu".
Ông Georgelin cho biết nhà thờ sẽ mở cửa trở lại vào tháng 12/2024 - đúng với mục tiêu mà Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra ngay sau vụ hỏa hoạn nhưng sẽ không kịp với Olympic Paris dự kiến vào mùa hè năm 2024.
Tướng Georgelin khẳng định: "Công việc của tôi là sẵn sàng mở cửa nhà thờ Đức Bà vào năm 2024. Và chúng tôi sẽ làm được điều đó. Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày vì mục tiêu này và chúng tôi đang đi đúng lộ trình".
Theo lộ trình này, "Tổng giám mục phụ trách thủ đô Paris sẽ lại có thể cử hành các nghi lễ Công giáo trong nhà thờ chính tòa như trước và di sản kiến trúc này cũng sẽ được mở cửa lại cho khách du lịch tham quan," ông Georgelin nói thêm.
Kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rima Abdul-Malak chia sẻ với AP rằng việc cử hành lại các hoạt động tôn giáo và mở cửa lại nhà thờ Đức Bà không đồng nghĩa với việc mọi hoạt động phục dựng di sản sẽ hoàn tất vào lúc đó. "Vẫn còn nhiều hạng mục công việc diễn ra vào năm 2025", bà Abdul-Malak nói.
Song song với quá trình trùng tu, một cuộc triển lãm mang tên "Nhà thờ Đức Bà Paris: Giữa trung tâm của công trường" mở cửa cho khách tham quan vào thứ Ba hàng tuần tại một cơ sở dưới lòng đất nằm phía trước nhà thờ. Triển lãm này nhấn mạnh các hoạt động phục dựng đang được diễn ra và cho công chúng thấy chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ xây dựng. Triển lãm cũng lưu giữ một số tàn tích của đám cháy và nhiều tác phẩm nghệ thuật từ nhà thờ.
Chia sẻ thêm về dự án triển lãm này, bà Abdul-Malak cho biết: "Hoạt động triển lãm gần nhà thờ sẽ tiếp tục mở cửa với du khách, kể cả những vận động viên đến tham dự Thế vận hội, và mang lại cho họ trải nghiệm đến thăm nhà thờ Đức Bà theo một cách hoàn toàn mới".
Mặc dù triển lãm miễn phí vé vào cửa nhưng hoạt động trải nghiệm thực tế ảo bên trong triển lãm có thu phí và sẽ giúp du khách tìm hiểu sâu hơn và chân thực hơn lịch sử của nhà thờ. Và nguồn phí đó cũng sẽ giúp ích cho ngành du lịch ở Paris, bà Abdul-Malak nói.
Ngày 15/4/2019, nhà thờ Đức Bà Paris đã bị hư hại nghiêm trọng trong một trận cháy lớn. Vụ cháy kéo dài 15 giờ đồng hồ đã làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của di tích lịch sử này. 340.000 nhà tài trợ từ 150 quốc gia đã quyên góp gần 844 triệu euro để phục hồi nhà thờ Đức Bà Paris.
Được xây dựng từ thế kỷ 12 (năm 1163) nhà thờ Đức Bà Paris là một kiệt tác của kiến trúc Gothic, đồng thời cũng là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng. Nơi này đón gần 12 triệu lượt khách đến thăm mỗi năm và là nơi tổ chức 2.400 buổi lễ và 150 buổi hòa nhạc.
Vào thời điểm vụ cháy xảy ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ phục dựng kiệt tác kiến trúc này trong vòng 5 năm, hướng tới kịp thời điểm Paris đăng cai Olympic 2024.
10 điều ít người biết về kiệt tác này
1. Điểm hút khách tham quan
Nhà thờ Đức Bà luôn là địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều khách tham quan nhất Paris. Hàng năm có khoảng 14 triệu người đã đến đây để chiêm ngưỡng kiến trúc, tìm hiểu về lịch sử hay đôi khi chỉ tham dự thánh lễ.
2. Nơi lưu giữ "Vương miện gai"
Theo Kinh thánh, trước khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, Ngài đã bị binh lính La Mã đội một chiếc vương miện được dệt bằng những dây gai lên đầu. Nhà thờ Đức Bà đang lưu giữ "Vương miện gai" này.
3. Suýt bị thiêu rụi
Một đám cháy bùng phát bên dưới mái của nhà thờ vào ngày 15/4/2019. Phải mất 15 giờ, lực lượng cứu hoả mới khống chế được ngọn lửa. Vụ hoả hoạn làm cho ngọn tháp của nhà thờ đã bị phá hủy hoàn toàn và một số bức tường bị hư hại.
4. Tên của 10 quả chuông trong nhà thờ
Ngoài kiến trúc, điểm thú vị của Nhà thờ Đức Bà là các quả chuông với kích cỡ khác nhau và được đặt theo tên của những nhân vật tôn giáo quan trọng.
Quả chuông cổ nhất tên là Emmauel, tiếng Do Thái có nghĩa "Chúa ở cùng chúng ta" và có niên đại từ thế kỷ 15. Những cái tên khác là Marie, Etienne, Gabriel, Anne Geneviève, Denis, Marcel, Benoît-Joseph, Maurice và Jean-Marie.
5. Bị phá hoại trong Cách mạng Pháp
Sau trận chiến ngục Bastille năm 1789, nước Pháp trải qua tình trạng bất ổn trong vài năm sau đó. Cuộc Cách mạng Pháp đã phá huỷ không ít công trình, trong đó có nhiều nhà thờ. Nhiều tác phẩm điêu khắc và tượng trong Nhà thờ Đức Bà đã bị hư hại.
6. Kiến trúc Gothic
Kiến trúc Gothic thịnh hành ở châu Âu từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16 và Nhà thờ Đức Bà được thiết kế theo kiến trúc này. Đây là một trong những nhà thờ Gothic đầu tiên có phần đỡ bên ngoài hình vòm, được gọi là "trụ bay".
7. Các toà tháp không giống nhau
Khi nhìn vào nhà thờ, có vẻ như các tòa tháp có cùng chiều cao. Tuy nhiên, tòa tháp nằm ở phía Bắc của nhà thờ lớn hơn tòa tháp ở phía Nam. Khách du lịch có thể lên đỉnh nhà thờ bằng cách leo 387 bậc thang ở tòa tháp phía Bắc.
8. Ý nghĩa của ‘cửa sổ hoa hồng’
Nhà thờ có các cửa sổ hình hoa hồng đầy màu sắc, là điểm nhấn quan trọng của kiến trúc Gothic. Ba cửa sổ hoa hồng tượng trưng cho Chúa Ba ngôi trong Kitô giáo, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.
9. Tượng điêu khắc các vị vua của Judah
Mặt trước phía Tây của nhà thờ từng có tượng điêu khắc đầu 28 vị vua của Vương quốc Judah và những bức tượng này đã bị lấy đi trong Cách mạng Pháp. Năm 1977, 21 tượng trong số này được tìm thấy và sau đó được trưng bày ở cổng nhà thờ.
10. Trung tâm của Paris
Cạnh lối vào Nhà thờ Đức Bà có một tấm biển tròn nhỏ khắc la bàn được gọi là "điểm 0". Đây là điểm bắt đầu để tính khoảng cách đến các địa điểm quanh Paris.