Ngày xuân năm mới, hãy cùng PV báo Người Đưa Tin gặp vị cứu tinh của những chú chó quý hiếm tại đảo Ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) nghe chuyện giải cứu, bảo tồn giống chó này.
Giải cứu chó quý từ quán nhậu
Ông Chung (áo trắng) và nhân viên trung tâm
Từ thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) xuôi về phía Nam đảo chừng gần chục ki lô mét là đến Trung tâm bảo tồn chó Xoáy Phú Quốc Thanh Nga (thuộc địa bàn ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc). Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, cuối cùng Trung tâm được cấp đất và "định cư" lâu dài tại đây. Tiếp chuyện chúng tôi là ông Nguyễn Chung, người quản lý của trung tâm bảo tồn này.
Vóc dáng to cao, giọng nói trầm ấm nhưng không mất đi chất giọng của người con xứ Huế, ông Chung kể, mình bén duyên với vùng đất Phú Quốc này cũng đến hơn hai chục năm có lẻ. Thời đó, ông vẫn còn là một chàng trai trẻ, có nghề thợ may nên dễ dàng tạo lập cho mình một cuộc sống ở vùng đất mới. Trong trí nhớ của ông Chung, thời ấy đảo Phú Quốc còn hoang sơ lắm. Người dân khi ấy còn nhiều khó khăn nên công việc của ông cũng có đất "diễn".
Trong thời gian ở đây, ông Chung đặc biệt để ý đến giống chó bản địa. Những chú chó nhìn oai vệ, đẹp và thông minh khiến ông mến chúng từ khi nào. Vốn là người yêu mến động vật, đặc biệt là giống chó ở Phú Quốc nên ông Chung rất muốn có một chú chó để nuôi làm bạn, làm cảnh. Một gia đình trong xóm nơi ông Chung sống có một đàn chó Xoáy Phú Quốc đẹp, hội tụ nhiều đặc điểm nổi bật của dòng chó này khiến mới nhìn là ông Chung mê ngay.
"Ở đây người dân không bán. Sau một hồi tìm hiểu, mình đến mang theo một con gà và đổi lấy một chú chó Phú Quốc 2 tháng tuổi. Từ ngày có chú chó về ở cùng, mình cảm thấy rất vui. Chú chó ấy như đứa trẻ con, mình quý nó, nó cũng quý lại mình.
Nhiều bận, đi làm về, chỉ nghe tiếng xe máy từ xa chú chó đó đã nhận ra chủ và chạy ra đón, quấn lấy chân… Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc và cũng là bất cẩn bản thân, chú chó đã bị hóc xương và mất. Kể từ đó, tình yêu của mình với loài chó Phú Quốc càng thêm lớn dần….", ông Chung chia sẻ.
Khi một người bạn tên Tuấn thành lập trung tâm nuôi dưỡng và bảo tồn chó Xoáy Phú Quốc, ông Chung đã cùng tham gia. Những ngày đầu vô cùng khó khăn khi cả hai chưa có chút thông tin nào về tập tính, lối sống của giống chó Phú Quốc này.
Có lần, trung tâm nuôi dưỡng trên 100 chú chó Phú Quốc, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên sau một thời gian, số chó còn lại rất ít khiến ông Chung và bạn rất buồn. Tuy nhiên hai ông cũng tự nhủ, có lẽ do mình không nuôi dưỡng chăm sóc đúng nên thất bại. Sau đó, ông Chung và bạn tìm hiểu kinh nghiệm dân gian từ người dân bản địa, mời bác sĩ thú ý từ đất liền ra tiêm phòng và chăm sóc, vì thế trại chó của hai người dần định hình và tăng về số lượng.
Kể về việc tìm nguồn chó Phú Quốc cho Trung tâm, ông Chung hướng ánh mắt xa xa nói, ban đầu thì trao đổi của dân. Sau đó mình thuần dưỡng và cho sinh sản. Ngoài ra, mình cũng đi đến các quán nhậu ở trên đảo và nói với họ nếu có ai mang loại chó Xoáy Phú Quốc đến bán cho quán nhậu thì báo ngay với mình để mình đến mua chúng đem về trung tâm, số lượng mình "giải cứu" được cũng phải lên đến hàng chục con.
Theo lời ông Chung, cách đây khá lâu khi trời còn mờ sáng đang ở trại chó thì nghe được tin, một cửa hàng cầy tơ vừa thu mua được một chú chó Xoáy Phú Quốc đẹp của một nhóm "cẩu tặc", ông Chung lật đật phóng xe máy tới ngay. Trên đường đi, ông chỉ sợ mình đến muộn, chủ quán làm thịt mất thì ông thấy đó là lỗi của mình. Rất may, lần đó ông Chung đã đến kịp. Chú chó Phú Quốc đã trưởng thành, có màu lông và dáng dấp không thể chê được.
Tuy nhiên, bọn "cẩu tặc" đã bắn trọng thương vào phần đầu chú chó. Nhìn thấy ông Chung, chú chó đáng thương không kêu tiếng nào, ánh mắt như van nài hãy cứu mình. "Nhìn thấy chú chó Phú Quốc đẹp quá mà lại bị thương như vậy, tôi đã đàm phán thương lượng mua lại chú chó đó về chữa trị vết thương.
Sau hơn 2 tháng, vết thương trên đầu đã lành. Mỗi lần nhìn thấy tôi là nó mừng lắm, cứ quấn quýt rúc rúc ra điều mang ơn. Mình chỉ vỗ vỗ vào đầu ý hỏi còn đau không. Như hiểu ý nó lắc lắc khiến mọi người ở đó ồ lên...", ông Chung chia sẻ.
Nói về sự trung thành và thân thiện của giống chó Phú Quốc, ông Chung chia sẻ, đây là câu chuyện có thật mà ông tận mắt chứng kiến. Nhà cô Hạnh, một học trò học nghề may của ông có nuôi một chú chó Phú Quốc. Khỏi phải nói tới việc nó tinh khôn, nghe lời ra sao. Trong nhà nó rất thân thiết với bố cô Hạnh.
Tuy nhiên, khi ông cụ mất, chú chó Phú Quốc cứ ra nằm cạnh mộ. Nhìn cảnh đó mọi người đều cảm thấy dưng dưng, không nỡ bắt nó về. Tuy nhiên, vài ngày trôi qua mà nó cứ ở đó không chịu rời đi khiến người nhà phải ra "dỗ" để nó về nhà. Cô Hạnh phải "thủ thỉ khuyên nhủ" mãi nó mới hú lên một hồi rồi theo chân về. Thế mới biết loài vật nó cũng có tình", ông Chung chia sẻ.
Giải cứu chó Xoáy Phú Quốc
Trân trọng cái tâm của những người bảo tồn chó quý
Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng trại chó, ông Chung giới thiệu cho chúng tôi biết với khuôn viên rộng hơn 10ha, thiết kế theo dòng đời của chó Xoáy gồm các khu: hoang dã, chuồng giống, sinh sản, huấn luyện, biểu diễn leo vượt rào, trường đua, nhà nấu ăn, khu điều dưỡng, trị bệnh và khu nghĩa trang cho chó.
Ông Chung giới thiệu hết thảy về ưu nhược điểm cũng như cách chăm sóc để chó Xoáy Phú Quốc phát triển tốt nhất. Theo ông Chung, để nhận biết được giống chó Xoáy Phú Quốc thuần chủng, điều đầu tiên là giống chó có nguồn gốc xuất sử ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trên lưng có một xoáy tự nhiên, lồng ngực nở, lông sát với mình, khoảng 2cm, eo thì thon, tai dựng đứng, bàn chân có màng như bàn chân vịt để bơi lội và đào bới, đuôi tóp vểnh lên trên...
Chó Phú Quốc được chăm sóc nuôi dưỡng tại trung tâm.
"Trong thiên nhiên, chó Xoáy Phú Quốc mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi lứa bình quân khoảng 4 đến 5 con, nhưng khi nuôi tập trung chó rất ít khi mang thai vì chó Xoáy chỉ chịu giao phối trong khung cảnh hoang vắng và nếu có đẻ thì cũng rất khó nuôi.
Nguyên nhân chủ yếu là thiếu môi trường giao phối và dưỡng thai. Nắm bắt được tập tính của chó Phú Quốc nên trung tâm đã xây dựng các khu phù hợp với từng độ tuổi của chó… Đến nay, trung tâm đang nuôi hơn 400 chú chó Phú Quốc", ông Chung chia sẻ.
Đang tiếp chuyện với PV thì có một đoàn du khách nước ngoài vào tham quan trung tâm. Trước sự hào hứng của du khách khi muốn tận mắt chứng kiến những điểm nổi bật của chó Phú Quốc, ông Chung đã tổ chức một cuộc biểu diễn đua chó để chiều lòng khách phương xa.
Bắt đầu cuộc đua, các vận động viên "chó" được đua theo sự hướng dẫn của các huấn luyện viên. Các vận động viên "khuyển" xuất phát trên độ cao 0,9m lao xuống, tiếp đất gọn gàng và chạy một đoạn tiếp tục vượt qua độ cao 1,2m.
Vào địa hình bới đất tìm đường, các chú chó khéo léo lách qua gốc cây ngã, phóng lên nhịp cầu tre, vượt qua những ghềnh đá mấp mô, gốc cây cổ thụ, chui xuống đường hầm rất ngoạn mục, đẹp mắt. Tiếp tục trên đường đua tốc độ không chướng ngại vật, các "chú khuyển" tăng tốc mạnh mẽ để vào đường đua cuối cùng với địa hình vách đá, đường gạch, đường ván và bơi trên hồ nước trước khi về đích, kết thúc cuộc đua trong sự cổ vũ, hò reo, tán thưởng của khách du lịch.
"Trung tâm mở ra để bảo tồn và phát triển loài chó quý Phú Quốc, ngoài ra trung tâm cũng là một điểm tham quan của khách du lịch mỗi khi đến thăm quan nghỉ dưỡng tại đây. Một mũi tên trúng nhiều đích, mang lại nhiều lợi ích để quảng bá thương hiệu chó Phú Quốc cũng như du lịch nên nhận được nhiều sự ủng hộ. Điều này khiến mình cảm thấy vui lắm…", ông Chung chia sẻ khi tiễn khách ra về.
Nghĩa trang dành cho chó
Một góc khuân viên trung tâm.
Đang hồ hởi, say sưa giới thiệu với PV về chó Phú Quốc bỗng giọng ông Chung trùng xuống, ánh mắt ngước nhìn lên phía lưng chừng núi nơi có nhiều nấm đất nhô lên, trong đó có một mộ đất còn mới. "Ở khu trại này có một nghĩa địa dành cho những chú chó không có duyên với mình.
Mỗi lần phải mang những chú chó Phú Quốc đi chôn là mình cũng như anh em trong trung tâm buồn lắm. Sau mỗi lần đó, mình đều nói với nhân viên phải chăm sóc tốt hơn, yêu thương chúng nhiều hơn để không phải đắp thêm nấm mộ nào nữa trong khu nghĩa trang chó này…", ông Chung buồn rầu nói.