Ngay cả khi ít quan tâm tới du lịch Trung Quốc thì nhiều người hẳn từng nhìn thấy bức ảnh những ngọn núi đầy sắc màu như cầu vồng này. Dải núi cầu vồng rộng gần 74.000 hecta là một phần của công viên địa chất vùng Trương Dịch - Đan Hà thuộc tỉnh Cam Túc, phía Tây Trung Quốc. Nơi đây trở thành Di sản Thế giới do UNESCO công nhận vào năm 2009, sau đó, từ một vùng núi hẻo lánh, Đan Hà trở nên nổi tiếng và thu hút rất đông khách du lịch, không ít là khách quốc tế.
Sự thật về dãy núi cầu vồng sống ảo ở Trung Quốc
Trên sườn núi đá, từng mảng màu thay đổi từ màu đỏ tươi, màu hạt dẻ, chanh đá, tới màu vàng, cam, xanh biển... xếp song song nhau, tựa như tranh vẽ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện tượng kỳ lạ của những vệt màu cầu vồng đan xen nhau trên sườn núi ở Đan Hà được hình thành do hàng trăm lớp sa thạch màu và các khoáng chất đã được ép vào với nhau trong hơn 24 triệu năm, sau đó vênh lên bởi mảng kiến tạo và tạo nên dãy núi hiện nay.
Những lớp màu này là kết quả kiến tạo địa chất của các lớp đá sa thạch đỏ và rất nhiều khoáng chất bồi tụ hòa trộn lẫn nhau từ hàng triệu năm trước. Sau đó, khoảng 40 tới 50 triệu năm trước đây, các hoạt động kiến tạo địa chất từ Ấn Độ đã tạo ra những rạn nứt địa chất và núi đá, từ đó hình thành những dãy núi (bao gồm cả dãy Himalaya). Màu sắc chủ yếu mang màu của sa thạch đỏ đậm. Màu sắc được cho là hình thành từ yếu tố thời tiết, kết hợp với nước và sự oxy hóa sắt. Điều này tạo nên sắc đỏ đậm cùng tông màu khác như vàng, đen, xanh.
Vùng núi cầu vồng được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện từ những năm 1920 - 1930 nhưng vẫn ít được biết đến. Khoảng năm 2010, những bức ảnh về Đan Hà được lan truyền trong giới du lịch mới gây ra cơn sốt với bất kỳ ai đam mê chinh phục. Tại vùng này có nhiều mỏm đá với hình dạng kỳ lạ như hình lâu đài, hình nón, tháp, nhấp nhô, tạo nên một khung cảnh độc đáo.
Dãy núi bị "tố" là làm màu quá đà so với thực tế.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi đến đây trở về đã nhận xét rằng cảnh quan không được rực rỡ như trên ảnh và những bức ảnh nói trên đã được "làm màu" quá đà, gây ít nhiều thất vọng cho du khách. Người ta giải thích rằng, màu sắc của dãy núi phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và ánh sáng. Nếu bạn tới đây vào ngày nắng quá gắt hay ngày âm u thì màu sắc hiện lên sẽ không được rõ ràng, mà chỉ có 3 gam màu chủ đạo là vàng, cam và xanh lá. Những bức ảnh được lan truyền một phần được chỉnh sửa, một phần cũng do người chụp ảnh phải căn thời điểm ánh sáng đẹp nhất để ghi lại khoảnh khắc đó. |
Và ngay cả khi chỉ được 50-70% khi trong ảnh thì nơi này vẫn được đánh giá là tuyệt đẹp, kỳ thú và rất đáng để ghé qua. Thời gian thích hợp nhất để tới đây là buổi chiều để ngắm hoàng hôn, khi đó ánh sáng vừa phải, màu sắc của dãy núi sẽ hiện lên rõ nhất, huy hoàng nhất. Thời điểm Trương Dịch Đan Hà đón nhiều khách du lịch nhất là khoảng tháng 5 hàng năm, thời tiết mát mẻ (nhiệt độ từ 8 tới 23 độ C) và hầu như không có mưa, cho phép du khách đi quanh khu vực núi đá một cách an toàn.
Công viên địa chất núi cầu vồng nằm khá gần cung đường du lịch "con đường tơ lụa" nổi tiếng nên thường được kết hợp trong các tour khám phá. Du khách có thể ghé qua thành Đôn Hoàng, hẻm núi Bình Sơn Hồ, đền Mati Si ở Lan Châu hay đi tàu sang tỉnh Thanh Hải để tham quan hồ Thanh Hải, hồ muối Chalka...