Tại phòng khám sản khoa, chị Nguyễn Lệ Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến để “làm kế hoạch” lần thứ hai trong vòng chỉ mấy tháng. Trước đó, khi chị đến “giải quyết” lần thứ nhất, bác sĩ đã tư vấn vợ chồng chị nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục nhưng chồng chị không áp dụng.
Vì nhiều lý do, nhiều mày râu không chịu mặc “áo mưa” khi quan hệ tình dục, cũng không chịu xuất tinh ngoài khiến bạn đời “vỡ kế hoạch”, phải đi giải quyết. Ảnh minh hoạ
“Chồng tôi cũng là người biết yêu chiều vợ nên khoản “dạo đầu” rất kỹ lưỡng nhưng anh bảo, phải dừng giữa chừng để đeo bao thì cảm hứng chỉ còn một nửa. Vì thế, được vài lần thì anh ấy không chịu dùng bao nữa”, chị Xuân bộc bạch.
Chị Xuân chia sẻ: “Không chỉ chồng, bản thân tôi cũng “mất hứng” khi đang ở đoạn cao trào thì phải dừng lại lần sờ tìm bao cao su vứt đâu đó dưới gối hay cuối giường. Có khi quên không thủ sẵn lại phải đứng dậy mở ngăn kéo “tìm hàng” rồi quay lại “tác chiến”. Không ít lần chị Xuân bảo chồng xuất tinh ngoài nhưng anh xã cho rằng, như thế còn mất hứng hơn cả dùng bao cao su.
Tôi đã có 2 cháu nên không muốn sinh nữa. Vì thế, tôi đã uống thuốc tránh thai nhưng uống được một thời gian thì tôi lại bị tăng cân nên dừng lại”.
Bác sĩ Phạm Ánh Tuyết, phòng khám số 2 Lê Đức Thọ - Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, cho biết, trong trường hợp của chị Xuân, nếu chồng không chịu dùng bao cao su thì có thể sử dụng những biện pháp tránh thai khác. Tuy nhiên, chị không nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên vì có thể bị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt và vẫn có nguy cơ dính bầu.
Cụ thể, với trường hợp chị em sinh thường, không mổ đẻ thì có thể dùng các biện pháp đặt vòng, cấy que tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, uống thuốc tránh thai hoặc thắt ống dẫn trứng… Tuy nhiên, biện pháp nào cũng có ưu nhược điểm và chị em cần lựa chọn biện pháp phù hợp với mình nhất.
Ví dụ, đối với biện pháp cấy que và tiêm thuốc tránh thai thì có ưu điểm là hiệu quả tránh thai cao, thời gian cấy kéo dài được 3 năm nhưng lại có tác dụng phụ làm bệnh nhân tăng cân, không có kinh hoặc có ít, có thể rong kinh và bị nám nhẹ ở mặt. Trong trường hợp bị tác dụng phụ thì phải tháo que cấy, trường hợp tiêm thuốc thì chỉ nên tiêm 3 tháng nếu bị rong kinh. Nếu tăng cân nhiều hoặc nám da thì cũng có thể tháo que cấy.
Việc tránh thai bằng que cấy hoặc tiêm không làm giảm ham muốn quan hệ tình dục, đồng thời âm đạo cũng ít bị viêm nhiễm do không có kinh, tuy nhiên nhiều người có thể bị khô âm đạo. Một số chị em không muốn dùng phương pháp này vì cho rằng cấy que sẽ không có kinh, nghĩa là không thể đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Việc cấy que tránh thai không ảnh hưởng đến việc đào thải độc tố trong cơ thể.
Với biện pháp uống thuốc hoặc dùng miếng dán tránh thai đều là những biện pháp tránh thai bằng cách đưa một lượng nội tiết rất nhỏ vào cơ thể. Đối với các biện pháp này, chị em vẫn có kinh nhưng có thể rong kinh, nám da nhẹ. Chị em cần uống thuốc vào một giờ nhất định để đạt được hiệu quả tránh thai như ý muốn và tránh bị rối loạn kinh nguyệt. Đối với biện pháp dùng miếng dán thì tiện lợi hơn, mỗi tuần rán một miếng, một tháng dán 3 miếng, cũng có tác dụng nhưng uống thuốc tránh thai loại vỉ 21 viên.
Còn biện pháp đặt vòng, ưu điểm là thời gian tránh thai dài, có thể kéo dài 5 đến 6 năm, vẫn có kinh nguyệt bình thường. Tuy nhiên đặt vòng có nhược điểm số lượng kinh nguyệt ra nhiều và ngày bị kinh kéo dài 5 đến 7 ngày mới hết. Vòng đặt không gây ra viêm nhiễm phụ khoa nhưng lại hay tiết dịch làm âm đạo, bị ẩm ướt nên khả năng viêm nhiễm sẽ cao hơn bình thường.
“Tất cả các biện pháp trên đều không làm giảm ham muốn tình dục của chị em. Nếu mổ đẻ hai lần trở lên thì không nên đặt vòng, còn tất cả biện pháp còn lại đều dùng được. Đối với các biện pháp tránh thai, trước khi muốn thực hiện đều nên siêu âm tử cung, phần phụ và tuyến vú, tuyến giáp xem có u cục gì không thì mới tiến hành”, bác sĩ Phạm Ánh Tuyết khuyến cáo.