Ảnh minh họa
Anh là con út trong gia đình, được mẹ chồng tôi cưng chiều, nên sau giờ đi làm thì lai rai với bạn bè, khi về đến nhà chỉ việc lăn ra ngủ. Còn tôi, ngoài việc ở cơ quan thì đối ngoại đối nội và nuôi dạy con đều do tôi tự quyết định.
Mẹ và chị chồng tôi đều khó tính, vì vậy tôi luôn im lặng chịu đựng mà không hề than vãn với chồng, nói đúng hơn là cũng không có cơ hội để than vãn vì anh hay say và ngủ khi về nhà. Cuộc sống vợ chồng tôi giống như 2 người bạn chung nhà, tôi là người đáp ứng nhu cầu sinh lý của chồng như một cái máy khoảng một hai tháng một lần. Đổi lại anh đưa cho tôi mỗi tháng vài triệu để lo tiền học cho các con. Trải qua cuộc sống im lặng, chịu đựng trong khoảng thời gian dài không được chồng quan tâm, chia sẻ, tôi không còn quan tâm anh đi đâu, làm gì... và cũng không còn cảm giác trong chuyện vợ chồng.
Giờ các con đã lớn, không vướng bận việc chăm con nhỏ nên tôi luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà đang ở. Tôi muốn ly hôn nhưng lại sợ các con bị ảnh hưởng tâm lý, nhưng tiếp tục sống như vậy, tôi cảm thấy không cam tâm. Xin chuyên gia và độc giả giúp tôi lời khuyên.
Tuyết
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Tuyết thân mến,
Dù chia sẻ của bạn rất vắn tắt, nhưng tôi có thể thấy được đó là sự chịu đựng dai dẳng trong 15 năm, ít nhất là từ phía bạn. Luôn có lý do để những hoàn cảnh tương tự tiếp diễn mà không thể phản kháng như: hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh kinh tế, các giá trị đạo đức xã hội, sự quen thuộc... Tuy nhiên, những lý do đó xuất hiện chỉ để ngăn chúng ta đặt ra một câu hỏi mấu chốt của toàn bộ vấn đề: Duy trì sự chịu đựng này vì mục đích gì?
Bạn hãy hình dung, việc chịu đựng chỉ nên tiếp tục khi nó phục vụ cho một mục đích nào đó như: phải chịu đựng trong vài năm vì con chưa đủ lớn hoặc đang cần sự hỗ trợ của bố và mẹ; tiếp tục chịu đựng vì hiện tại chưa đủ điều kiện tài chính để tự lo cho mình hay các con; chịu đựng vì những giá trị đạo đức của bản thân... Dù là gì, việc chịu đựng luôn cần mục đích và có thời hạn cụ thể.
Hiện tại bạn cảm thấy không còn vướng bận chuyện chăm con mọn, nhưng vẫn tiếp tục chịu đựng để duy trì sự cô đơn khủng khiếp trong ngôi nhà ấy. Nhà là nơi được mặc định là tổ ấm hạnh phúc, giúp người ta hồi phục sau thời gian mệt mỏi, vất vả bên ngoài. Nhưng nếu tổ ấm không thể tiếp tục chức năng đó, việc bạn cố gắng duy trì sự tồn tại của nó liệu có ích gì?
Thật ra, ngay trong câu hỏi của bạn, có thể nhận thấy bạn nghiêng về phương án nào hơn. Điều bạn còn thiếu là một chút dũng cảm, can đảm để quyết định làm điều mình muốn. Giờ là thời điểm thích hợp nhất để đưa ra quyết định dứt khoát. Chúc bạn tìm được hạnh phúc và sự dễ chịu.