Chẳng biết vì sao mà từ xưa, người ta lại dùng từ “cướp vợ”, “giựt chồng”, hẳn là phải có ý tứ sâu xa, tế nhị nào đó, chứ chẳng phải thuận miệng mà nói đâu. Thế nên thời nay, người ta cứ theo đó mà dùng, chẳng buồn suy luận. Song nếu dừng lại, nghĩ một lúc, sẽ thấy có bao nhiêu điều mà muốn hiểu thì phải bắt đầu từ cái gốc rõ ràng, dễ nhận nhất.
Chuyện cướp giựt, đúng theo nghĩa đen của nó, bây giờ thiếu gì trên phố. Nhớ có lần, tôi bị giật đồ, bị đau vì té, buồn vì tiếc, tôi về kể với mẹ cha. Vậy mà, thay vì an ủi tôi và rủa kẻ cướp bất nhân, cha tôi lại mắng tôi một trận vì cái tội… có của quý không biết giữ gìn, cứ đem bày ra cho thiên hạ dòm ngó. Đời này, nhiều kẻ cướp vì cần đã đành, nhưng cũng khối người cướp vì nhìn ngứa mắt hay thấy ghét thôi.
Tôi nhớ lần trò chuyện với một phụ nữ bị giựt chồng. Chị nói: “Khi tôi tìm đến cô ta, với một bụng đầy những câu nhiếc móc, chửi bới, rằng cô ta là kẻ “phá hạnh phúc” gia đình tôi, rằng cô ta “giựt chồng”, tôi đã khựng lại khi nhìn thấy nụ cười bình thản, mỉa mai của cô ta. Thay vì lo lắng, sợ hãi khi biết mình sắp bị đánh ghen, cô ta có vẻ muốn cười vào mặt tôi.
Cô ta nhẹ nhàng và đầy châm biếm, hỏi: “Chị nói tôi phá hạnh phúc gia đình chị. Vậy cái hạnh phúc ấy có tồn tại hay không? Nếu chị đang thật sự hạnh phúc thì làm sao ai phá được, nhất là khi tôi chỉ là người ngoài? Chị nói tôi giựt chồng chị, vậy chứ chồng chị là cái bóp, cái túi hay cái dây chuyền vô tri vô giác hay sao mà giựt được?”.
Quả thực, với câu hỏi lại hết sức khôn ngoan, tự tin và đanh đá đó, cô ta cuối cùng đã thắng người vợ danh chính ngôn thuận - người đang có quyền phán xét, chửi bới và được bênh vực. Từ tư thế là kẻ nắm quyền, kẻ đến hạch hỏi và đe dọa người phạm tội, chị lủi thủi ra về cùng sự hoang mang và nghi ngờ chính bản thân.
Diễn biến tiếp theo là cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh khá yếu ớt với việc giữ chồng, giữ hạnh phúc, đấu tranh trong mặc cảm: mình thật sự có hạnh phúc hay không và chồng có thật sự là của mình hay không, chị đã buông tay, để chồng ra đi, đến với người phụ nữ khác.
Ảnh minh họa |
Hỏi chị, chị đã từng lồng lộn, đập phá, mắng chửi, thậm chí quyết “ăn thua đủ” với kẻ giựt chồng chị, sao cuối cùng lại buông tay dễ thế, chị thở dài: “Ừ thì biết nó láo, nó xấc xược với mình, nhưng ngẫm ra, nó nói có phần đúng. Ngày chồng còn là của mình, gia đình còn vui vẻ, bình an, mình cũng có phần coi thường cái mình có. Đi làm về mệt mỏi, dễ cáu gắt nhau. Buồn bực chuyện gì cũng than vãn.
Cũng chẳng ít lần đùng đùng làm đơn đòi ly hôn, ông chồng còn giữ cả xấp trong tủ kia. Lúc ấy, có bao giờ mình nghĩ là mình đang có hạnh phúc đâu. Hóa ra cái chén mình đang uống nước, mình có nghĩ nó là cái chén đâu. Nước uống vào cũng không nhớ nó cần thiết với mình thế nào. Chỉ khi cái chén bể, chẳng còn cái gì để uống nước nữa, mình mới tiếc”.
Chị cũng thừa nhận, ông chồng chị đó, đâu phải món đồ vô tri vô giác mà có chuyện cướp với giựt. Ông rõ ràng là con người, với đầy đủ tri giác, đầy đủ quyền tự chủ, trí thông minh mà chị từng yêu thương, say đắm, tôn trọng. Chồng chị đâu phải món đồ mà chị quăng bỏ hay cầm nắm hớ hênh để người ta đi ngang tiện tay giựt lấy. Mà nếu không phải như thế thì chuyện đi, chuyện ở là ý chí của ông ấy, chị làm sao cản được. Chuyện ông ấy muốn thế là lỗi ở ông ấy, đâu phải lỗi một mình cô kia cố tình giựt chồng chị. Với những điều chị suy luận ra đó thì trước hay sau cái chén ấy cũng bị bể hay lọt vào tay kẻ khác mà thôi.
Cứ thế mà nghĩ tới khi quyết định buông, nhẹ tênh. Chị buông, để làm lại từ đầu, để biết giữ cái gì cần giữ, biết nắm cái gì cần nắm và biết quên đi cái gì không thật sự đáng giá, chỉ là thứ vô tri vô giác đối với mình. Nhờ thế, chị mới bước ra được khỏi cái cuộc “giành và giựt” của hai người đàn bà, để cho người kia độc chiếm cái vật phẩm mà cô ta đã “giựt” được, theo nghĩa người đời thường nói.
Kể đến đây, chị cười, nụ cười thật nhẹ: “Mà tôi nghe nói, giờ đây, cô ấy lại đang phải tiếp tục cuộc giành và giựt cái vật mà tôi đã buông đó với một người khác. Đời là như thế. Thứ vốn chỉ là đồ để giựt, mãi mãi là đồ để giựt. Kẻ tham lam món đồ của người khác sẽ mãi mãi phải ở trong một cuộc chơi, làm gì có tình cảm hay gia đình thật sự. Chỉ khi chồng là chồng, là người yêu thương ta và ta yêu thương, cùng ta vun đắp gia đình mới là của ta, không lo bị tước đoạt.