Khu phố tôi ở có mấy căn nhà san sát, trong mỗi ngôi nhà chỉ có một người già.
Không gian của những ngôi nhà ấy không trầm lặng mà ngược lại, khá ồn ào, như thể ai cũng tranh nhau nói, như thể căn nhà rất đông người.
Khi mới chuyển tới đây, tôi không biết họ sống một mình vì lúc nào đi qua cũng nghe nhiều tiếng người. Về sau mới biết các cụ một mình ngồi giữa đài, ti vi và mở tất cả thiết bị lên cùng lúc cho có tiếng người, đỡ buồn.
"Vì sao cụ không ở cùng các con?". Một cụ bà nói: "Tôi toàn con gái, ở với con rể cũng không thích, thậm chí với con gái cũng không thích, sinh hoạt lệch nhau. Tôi bán nhà to, chia hồi môn cho chúng nó hết, còn lại tôi mua căn nhà nhỏ này ở, thỉnh thoảng chúng tới chơi".
Nếu đủ yêu thương, tôn kính thì dù cha mẹ ở nhà dưỡng lão cũng vẫn được gặp con nhiều hơn. Ảnh minh họa
Một cụ ông bảo: "Con cái phải đi kiếm ăn xa, mình theo chúng nó tới nơi xa lạ thì không quen, nơi này quen rồi. Ép chúng phải về đây vì mình thì kìm sự phát triển của con. Và ở với con dâu cũng có cái khó, còn tự chủ được thì cứ ở một mình, hơi buồn một chút nhưng thoải mái"...
Một cụ khác bảo: "Mình già không chăm được cháu, con cái thì bận rộn. Dù mẹ và con cố thông cảm nhưng ở chung cũng có đôi lời ra vào. Ra ở riêng, tự chăm bản thân, khi con cháu tới lại vui".
Chiều tới, tôi lại thấy mấy cụ cùng dắt nhau đi ra hồ tập thể dục, hoặc ngồi ở ngoài ngõ bàn về bộ phim truyền hình. Tuổi già nặng tai, nghe câu được câu mất, xem phim không nhận rõ nhân vật nên hiểu lầm nội dung, hoặc mỗi người hiểu một kiểu, thế là tranh luận sôi nổi, đôi khi "hăng máu" như thời trẻ.
Cũng có khi tôi thấy các cụ dỗi nhau, đang tranh luận thì một người đứng lên "phá đám" bỏ về nhưng hôm sau lại quên, lại nói chuyện khác. Có lần nghe các cụ nói chuyện ngày xưa, nói đi nói lại không chán.
Có lần tôi đang ngủ nướng sáng chủ nhật thì thấy tiếng đập cửa nhà bên ầm ầm. Hóa ra con gái của cụ Đào đến tìm, gọi điện không thấy cụ nghe, mà cửa lại chốt trong. Vậy là mọi người tá hỏa, la hét, đập cửa sắt để tìm cách trèo vào. Mất nửa tiếng, cụ mới đi từ trên tầng xuống.
Nếu đủ yêu thương, tôn kính thì dù cha mẹ ở nhà dưỡng lão cũng vẫn được gặp con nhiều hơn
Hóa ra cụ nặng tai, điện thoại để ở tầng một không nghe thấy chuông, nghe cánh cửa bị đập cũng không rõ nên nghĩ nhà khác cãi nhau đập cửa. Lúc thấy mẹ, con gái cụ khóc lóc: "Mẹ về ở với tụi con đi, lúc nãy con tưởng mẹ chết một mình rồi".
Cụ cười bảo: "Gần đây người ta hay chết một mình mà. Bao nhiêu người ở cùng con cái mà cũng chết trong phòng riêng, rồi nửa ngày con cái mới biết, hoặc đi làm về mới biết đó thôi". Cụ vẫn cương quyết không về ở cùng.
Cũng có những bố mẹ khi về già thích ra ở riêng, cũng có người ép con cháu phải ở chung để bảo vệ "văn hóa truyền thống", vì sợ nỗi cô đơn, vì cần nương dựa. Bỗng dưng, tôi nhớ tới mô hình nhà dưỡng lão, mà có lúc người ta mang nó ra hàm ý chỉ trích những đứa con bất hiếu, "tây hóa", để đau xót về một nền tảng gia đình đã vỡ.
Có lẽ thay vì chỉ trích, dị nghị việc ai nên hay không nên vào nhà dưỡng lão thì nên nghĩ làm cách nào để cải thiện môi trường, dịch vụ chăm sóc trong các nhà dưỡng lão, để ở đó những người lớn tuổi được sống vui vẻ, được chăm sóc chu đáo. Như thế sẽ bớt cảnh người già chết một mình, bớt đi cảnh cha mẹ con cái ở chung nhưng không yêu thương, hòa hợp.
Nếu đủ yêu thương, tôn kính thì dù cha mẹ ở nhà dưỡng lão cũng vẫn được gặp con nhiều hơn. Còn ở chung mà mâu thuẫn, lạnh lùng thì cách một cánh cửa thôi mà cha mẹ lạnh cóng rồi con mới biết. Nếu nhà dưỡng lão có điều kiện tốt, nhân viên chu đáo thì nơi đó vui hơn nhiều so với ở cùng con nhưng ông bà hôm nào cũng quay quắt đếm thời gian đợi con cháu đi làm về.